Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chờ Djokovic đánh bại quy luật tự nhiên

Nhìn cách Novak Djokovic hủy diệt Rafael Nadal trong trận chung kết Qatar ExxonMobil Open mới đây, đó như lời cảnh báo cho bất kỳ ai muốn xâm phạm ngôi vương của anh.

Ở tuổi 28, Djokovic đang sống trong những tháng ngày đỉnh cao quyền lực. Anh trở thành ông vua mới của làng banh nỉ với sự vượt trội rất lớn so với phần còn lại. Mùa giải 2015 chứng kiến một Nole bùng nổ khi giành 3 danh hiệu Grand Slam, qua đó nâng tổng số Grand Slam trong sự nghiệp lên con số 10, vượt qua cả những huyền thoại như Jimmy Connors, John McEnroe, Ivan Lendl và cả "siêu HLV" Boris Becker của mình.

Djokovic chỉ cách cột mốc chinh phục cả 4 danh hiệu Grand Slam một trận thắng, thành tích mà chỉ có đàn anh Roger Federer (năm 2006 và 2007) làm được trong suốt 46 năm qua. Theo chuyên gia làng banh nỉ Peter Bodo, thành công của Djokovic được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố. Anh có một đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp, nhiệt huyết và đầy tài năng.

Kết hợp những yếu tố đó cộng với tài năng và thời thế giúp Djokovic trở thành kẻ bất khả chiến bại. Nhìn lại những đối thủ từng gặp ngôi sao số 1 thế giới, người ta thấy một Rafael Nadal chật vật trên đường tìm lại chính mình, còn Roger Federer đáng gờm với lối chơi “bay như bướm, chích như ong”, nhưng lại thiếu đi cú ra đòn quyết định ảnh hưởng đến sự thành bại. Trong khi đối thủ thể hiện một sự phập phù, Nole càng đánh lại càng hay.

Từ điểm tựa thành công trong năm 2015, một câu hỏi lớn xuất hiện cho Djokovic trong mùa giải mới, theo đó, những gì thể hiện phải chăng đã cán mốc giới hạn của Nole? Kỷ lục 82 trận thắng và 6 thua, kèm theo 11 danh hiệu giành được liệu đã trở thành điểm cao nhất của mình sơ đồ hình sin? Theo lý luận kiểu kinh tế học, thành tích đạt được trong năm ngoái đạt đỉnh thì việc cân bằng kỷ lục đó thôi đã khó huống gì là vượt qua con số cũ.

 

"Các giải Grand Slam và Olympic Games là mục tiêu tối ưu mùa này. Song, một mùa giải thường diễn ra rất dài, vì vậy, tôi không thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra hay chắc chắn bản thân có thể tiếp tục giành được những Grand Slam," Djokovic trả lời phỏng vấn với các phóng viên sau khi đặt chân tới Qatar hồi tuần rồi. "Dĩ nhiên, tôi sẽ cố gắng chinh phục mọi danh hiệu và tất cả danh hiệu Grand Slam. Đó là tư duy xuất hiện trong tôi".

Dưới góc nhìn Peter Bodo, những chia sẻ từ Nole cho thấy một tư duy đặc biệt ở con người có khả năng tạo ra sự khác biệt. Thậm chí đó là khi Djokovic thật sự không biết điều gì chờ đợi bản thân phía trước. Lịch sử làng banh nỉ từng chứng kiến rất nhiều tên tuổi lừng danh khựng lại một cách đột ngột và không gặt hái được danh hiệu cao quý nào trước khi thức thời và nhận ra tuổi tác cũng như năm tháng đỉnh cao đã lùi về quá khứ.

Huyền thoại Bjorn Borg giã từ làng banh nỉ năm 26 tuổi sau khi có được 11 Grand Slam sớm trước đó 12 tháng. Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, Bjorn Borg được mô tả như kẻ thức thời vĩ đại. Ông biết đâu là điểm dừng sau khi bản thân vươn tới sự hoàn hảo hay nói cách khác là đỉnh cao trong sự nghiệp. Năm 1982, Bjorn Borg chỉ chơi một giải duy nhất và thua Yannick Noah ở tứ kết Monte Carlo. Năm tiếp theo, ông gây sốc bằng quyết định giải nghệ.

McEnroe (trái) và Borg rất giỏi, nhưng Djokovic có thể còn xuất sắc hơn cả họ qua việc duy trì thời đỉnh cao.

Mặc cho John McEnroe, kình địch của Bjorn Borg khuyên nhủ, tay vợt người Thụy Điển chỉ chơi thêm 1 giải ở Monte Carlo vào tháng 3/1983 và Stuttgart vào tháng 7/1984 rồi giã từ sự nghiệp luôn. Bjorn Borg không nói, nhưng ông biết thời của mình thật sự đã kết thúc ở tuổi 25. Thật vậy, năm 1984 chứng kiến McEnroe nổi dậy khi thâu tóm 2 danh hiệu Grand Slam.

Thành tích đó tương tự như Djokovic làm được trong năm 2015, khi McEnroe kết thúc năm với 82 trận thắng, 3 thua và giành 13 danh hiệu, đạt tỷ lệ chiến thắng 94% - con số cao nhất từ thời kỳ Open. Dù McEnroe tiếp tục thi đấu tới năm 33 tuổi, tuy nhiên, đỉnh cao của ông đã thuộc về năm 1984 và tay vợt này không gặt hái thêm danh hiệu Grand Slam nào sau đó nữa.

Tương tự, Mats Wilander trở thành ông vua mới của làng banh nỉ năm 1988 với 3 danh hiệu Grand Slam bổ sung vào bộ sưu tập. Nhưng cựu tay vợt người Thụy Điển cũng không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của vòng quay thăng-trầm tự nhiên. Năm tiếp theo, ông giành thêm một danh hiệu Wimbledon và chấm hết.

Djokovic còn thiếu danh hiệu Roland Garros để hoàn tất đủ bộ Grand Slam.

Từ thực tế đó, Djokovic lúc này đang đối mặt với thách thức đánh bại quy luật sự nhiên sau khi đỉnh cao của anh đã được thiết lập vào năm 2011 và 2015. Có khá nhiều ý kiến hoài nghi về một sự xuống dốc cho Nole trong năm 2016 vì không ai có thể ngự trị mãi trên đỉnh cao vinh quang. Nhưng Peter Bodo lại phủ định điều đó.

Nếu nhìn vào thế hệ các nhà vô địch Grand Slam, chỉ có Stefan Edberg được công nhận là tay vợt hàng đầu thế giới chiếu theo so sánh về lối chơi như Djokovic. Thật vậy, McEnroe là một kẻ nổi loạn, Wilander giống như cánh chim trời tự do với tinh thần thoải mái, Becker giống kẻ đi tìm sự bất mãn, còn Bjorn Borg không khác nào dị nhân chết đuối trong vũng lầy của sự nổi tiếng bản thân có được.

Lúc này, chỉ có Djokovic là người có lý trí, biết thay đổi và điều chỉnh tư duy sao cho phù hợp với thế giới. Anh chấp nhận mọi thứ như một đặc ân, không phải quyền lợi hay gánh nặng. Quan trọng, tay vợt số 1 thế giới có thể kéo dài chu kỳ thành công hơn người đi trước nhờ sự sắp đặt của số phận khi những kẻ thách thức vẫn còn lạc lối trên hành trình đi tìm sự ổn định.

Trong bài phân tích trên Bleacherreport, cây bút Joe Kennard nhận định đối thủ đáng gờm nhất với Nole trong năm 2016 nhiều khả năng là Roger Federer, từng hạ anh 3 lần hồi năm ngoái. Gần đây, "tàu tốc hành" người Thụy Sĩ thuê Ivan Ljubicic làm HLV và điều đó càng khiến tay vợt này trở nên khó đoán vì giữa hai con người ấy có nhiều điểm chung.

Song, nhược điểm của Federer là tuổi tác và thường hụt hơi ở những thời điểm quyết định. Trong khi đó, Andy Murray chưa vươn tới đẳng cấp tiệm cận như Djokovic và đã 28 tuổi, còn Nadal vẫn loay hoay tìm cho mình hướng đi đúng. Tiếng nói lịch sử cũng cho thấy ngôi sao người Tây Ban Nha thua 9 trong 10 lần đụng độ Djokovic gần đây và không thắng nổi Nole set nào trong 4 cuộc đụng độ gần nhất.

Theo các chuyên gia, Djokovic vẫn còn nhiều mục tiêu phải hoàn thành như chinh phục giải Roland Garros, danh hiệu còn thiếu duy nhất trong bộ sưu tập và sân chơi Olympic, nơi tinh thần ái quốc của tay vợt này chỉ mang về cho Serbia một tấm huy chương. Nếu còn khát khao và tự đặt ra cho bản thân nhiều việc phải làm trong năm 2016, Nole sẽ vào trận bằng thứ tennis hoàn hảo đưa bản thân lên đỉnh thế giới. Khi đó, những kẻ thách thức có quyền lo sợ.





Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images

Bạn có thể quan tâm