Sau quãng thời gian dài băn khoăn, suy nghĩ, Lily Li, nhân viên công ty đa quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc, quyết định cho con gái Flora, 6 tuổi, theo học tại trường quốc tế gần nhà. Suy xét cẩn thận, vợ chồng cô đều cho rằng triết lý và chất lượng giáo dục trường quốc tế tốt hơn hẳn trường công.
Người mẹ 39 tuổi này là một trong số nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cố gắng dồn tiền để cho con theo học trường quốc tế. Điều đó cũng đồng nghĩa việc họ phải nỗ lực nhiều để con có thể theo đến cùng, ít nhất đến khi du học.
Cho con theo học trường quốc tế nhiều khi là quyết định liều lĩnh của phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc vì "cuộc chơi dài hơi" khá tốn kém. Ảnh: NIS China. |
Không có đường quay lại
Một trong những khó khăn lớn nhất của gia đình Lily là tài chính. Trung Quốc có hơn 730 trường quốc tế và thêm hàng chục trường mới mở mỗi năm.
Theo khảo sát của ExpatFinder.com dựa trên 688 trường ở 27 nước, đất nước này cũng có học phí trung bình trường quốc tế cao nhất, gần 33.600 USD.
Trong trường hợp gia đình Lily Li, Flora học tại trường giảng dạy chương trình Tú tài quốc tế. Học phí bậc tiểu học ở mức 22.800 USD. Học phí tăng 5%-10% mỗi năm. Trước khi quyết định cho con theo học, vợ chồng Lily phải cân nhắc đến khả năng duy trì tài chính ổn định trong ít nhất 20 năm tiếp theo.
“Chọn cho con học trường quốc tế, chúng tôi không có đường quay lại”, người phụ nữ 39 tuổi chia sẻ.
Cô giải thích trước khi cho con vào trường quốc tế, gia đình phải quyết định không đăng ký xueji (tài liệu cho phép trẻ em đăng ký hợp pháp vào trường công lập). Hết thời hạn đăng ký, gia đình hầu như không có cách nào xoay xở để có được xueji.
Không chỉ vợ chồng Lily, nhiều phụ huynh thuộc tầng lớp khá giả cũng rơi vào tình thế lưỡng lự tương tự khi con đến tuổi đi học.
Trước đó, các trường có vốn đầu tư nước ngoài như Quốc tế Bắc Kinh, Quốc tế Anh Bắc Kinh, Quốc tế Canada Bắc Kinh tuyển sinh dựa trên quốc tịch của phụ huynh. Do đó, số lượng trẻ Trung Quốc được nhận vào không nhiều.
Gần đây, khi nhu cầu cho con tiếp cận nền giáo dục phương Tây của người Trung Quốc tăng, hàng loạt trường quốc tế tư nhân mọc lên, tăng số lượng tuyển sinh đối với trẻ bản địa.
Cơ hội theo học trường quốc tế lớn hơn đồng nghĩa phụ huynh phải phân vân nhiều hơn về con đường học tập của con. Thông thường, họ bắt đầu tìm hiểu các trường lúc con 3-4 tuổi. Lúc này, họ phải đối mặt quyết định khó khăn - chi hàng triệu nhân dân tệ mua hộ khẩu hoặc mua căn hộ để đủ điều kiện làm thủ tục cư trú cho con học trường công hay bỏ ra số tiền tương đương để trẻ học trường quốc tế.
Và tương tự như trường hợp gia đình Lily, phụ huynh phải xác định đây là cuộc đua dài hơi vì ngừng học tại trường quốc tế sang trường công lập gần như là điều không thể.
Người nước ngoài chọn trường công
Trong khi không ít phụ huynh cố “gồng mình” để cho con học trường quốc tế, nhiều người nước ngoài ở Trung Quốc lại gửi con vào trường công lập để trẻ có thể thông thạo tiếng Trung và trải qua thời đến trường nhẹ nhàng hơn.
Điều này tưởng chừng vô lý khi giáo dục công lập Trung Quốc cùng kỳ tuyển sinh đại học khắc nghiệt vốn được coi như gánh nặng đè trên lưng trẻ em trong gần 18 năm đầu đời.
Điều hành công ty công nghệ giáo dục và giàu có, vợ chồng Gloria Crawford vẫn quyết định cho 3 con theo học trường công lập. Ảnh: South China Morning Post. |
Nhưng trên thực tế, việc theo học trường quốc tế không thoải mái khi với nhu cầu ngày càng lớn, các trường phải tuyển sinh khắt khe và chỉ nhận khoảng 1/5 số lượng ứng tuyển.
Ngoài ra, khi vào trường quốc tế, trẻ phải chuẩn bị cho cuộc đua vào đại học, thường là các trường danh tiếng ở phương Tây. Điều này đồng nghĩa việc họ phải cạnh tranh với bạn cùng trường, thêm khoảng 10.000 người Trung Quốc đang theo học tại các trường ở Mỹ, chưa kể đến học sinh các nước khác.
Vì vậy, vợ chồng Gloria Crawford, người điều hành một công ty công nghệ giáo dục ở Bắc Kinh, quyết định cho 3 con học trường công.
“Ở bậc tiểu học, trường công lập chú trọng việc tạo dựng nền tảng ngôn ngữ. Cách họ dạy chữ tương tự các môn khác như Toán, Khoa học. Nhờ đó, con tôi giỏi Toán hơn. Đây là lợi thế khi chúng tôi trở lại Mỹ. Ngoài ra, chúng cũng kỷ luật, bền bỉ hơn, có lợi cho việc giải quyết khó khăn sau này”, Gloria giải thích.
Theo South China Morning Post, hiện tại, bà và 3 đứa con đều hài lòng về lựa chọn này. Trey Crawford, 13 tuổi, hiện là học sinh nước ngoài duy nhất trong lớp tại trường trung học trực thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ Bắc Kinh. Trey cho biết cậu được giáo viên ưu ái hơn bạn cùng lớp.
“Tiếng Anh quá đơn giản với em nên giáo viên cho phép em đọc tiểu thuyết trong giờ học. Em lớn lên cùng các bạn người Trung Quốc nên cũng thông thạo ngôn ngữ này”, nam sinh chia sẻ.
Betty, bà mẹ Mỹ làm trong ngành giáo dục, cũng cho hai con theo học trường Tiểu học Tây Kiều Bắc Kinh, một phần vì tiền học phí trường quốc tế vượt quá khả năng chi trả. Betty chưa từng tiếc nuối vì gia đình không đủ điều kiện cho con học trường “sang”.
“Tôi rất hài lòng. Giáo viên dạy dễ hiểu, bạn học thân thiện. Con tôi thành thạo tiếng Trung, không mắc khẩu âm người Mỹ”, cô nói.
Đương nhiên, người mẹ này phải dạy thêm tiếng Anh cho con tại nhà, vì đây là điểm yếu của nhiều trường công lập.
Ngoài ra, ra cả Betty và Gloria, cũng như nhiều gia đình người nước ngoài “từ bỏ” trường quốc tế ở Trung Quốc, đều chú trọng việc khuyến khích con phát triển tư duy, tránh đi theo lối mòn do ảnh hưởng từ giáo dục trường công.
Nhìn chung, xét về mục tiêu để con thành thạo tiếng Trung và rèn luyện kỷ luật, họ cảm thấy hài lòng khi đánh đổi trường quốc tế để cho con học trường công lập.