Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chở cả ôtô hồ sơ nộp hải quan

Hải quan bắt doanh nghiệp nộp thêm 12-13 loại giấy ngoài quy định, chỉ hai tuần, một cơ quan thu nhận tới 51 bao tải giấy tờ..., thậm chí có doanh nghiệp dùng cả ôtô để chở hồ sơ.

Đây là kết quả khảo sát thực tế được công bố tại hội thảo “Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/10.

Đòi thêm 12-13 loại giấy tờ

Theo bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn dự án, khi đi khảo sát có tình trạng một số cơ quan khẳng định đã cải cách đúng rồi, theo đúng cam kết quốc tế, nhưng thật sự thì doanh nghiệp vẫn kêu. Cụ thể, bà An dẫn chứng dù đã triển khai hải quan điện tử nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn phải xuất trình khá nhiều giấy tờ. Điều đặc biệt là yêu cầu xuất trình giấy tờ ở mỗi địa phương lại rất khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy lượng giấy tờ mà lực lượng hải quan yêu cầu nhiều hơn quy định rất nhiều.

“Chẳng hạn hải quan bắt doanh nghiệp cung cấp thêm giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, giấy cam kết... Tổng hợp lên đến 12-13 loại chứ không chỉ 6-7 như Ngân hàng Thế giới khảo sát”, bà An nói.

Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại cảng Cát Lái, TP.HCM.
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại cảng Cát Lái, TP.HCM.

Chưa hết, nhiều cách làm của hải quan vẫn khó cho doanh nghiệp. Như mỗi tờ khai hải quan, phần khai chỉ vỏn vẹn 50 dòng nên nhiều doanh nghiệp muốn khai nhiều hơn phải làm nhiều tờ khai. Mà mỗi tờ khai phải in một tờ giấy nộp tiền. Nên có doanh nghiệp phải thuê người chuyên viết tờ khai, chuyên viết giấy nộp tiền khiến chi phí tăng.Đẩy qua đẩy lại

 

Theo báo cáo của bà Đặng Bình An, do quy định kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan không rõ ràng, nên có doanh nghiệp nhập sản phẩm thuốc (chỉ có một chút thành phần não động vật), thế là hải quan yêu cầu phải có giấy kiểm tra mới thông quan.

Nhưng sang cơ quan kiểm tra chuyên ngành họ lại nói “ai bảo cái này phải kiểm tra”. Cứ cãi qua cãi lại. Cuối cùng phải xin xác nhận không phải kiểm tra mặt hàng này thì hải quan mới thông quan.

Ngoài ra, quy định buộc doanh nghiệp muốn được thông quan, nhận hàng phải có chứng minh đã nộp thuế. Nhưng có trường hợp doanh nghiệp nộp thuế rồi nhưng 3-4 ngày sau trên hệ thống của hải quan vẫn chưa hiện lên thông tin đã nộp do việc luân chuyển chứng từ nộp thuế từ ngân hàng về rất chậm. Vì vậy doanh nghiệp phải chạy vạy, thậm chí chạy ngược về ngân hàng để xin giấy xác nhận đã nộp thuế.

Đặc biệt, các quy định yêu cầu báo cáo khá rắc rối. Với yêu cầu phải báo cáo từng tờ khai đã thực hiện, bà An cho biết có doanh nghiệp tính ra mất tới gần 100 triệu đồng tiền mực in chỉ trong một vài quý. “Có doanh nghiệp, có thể là Samsung hay Brother, nêu họ phải chở cả ôtô hồ sơ đến cơ quan hải quan”, bà An nói.

Dù từng là tổng cục phó Tổng cục Hải quan, bà An cũng băn khoăn không hiểu hải quan sẽ lưu giữ, kiểm tra các giấy tờ đó như thế nào. Theo dẫn chứng của vị này, chỉ riêng hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của một cơ quan Bộ Công thương, chỉ hai tuần đã lên đến 51 bao tải.

Nêu thực tế thời gian thực hiện các thủ tục hải quan chỉ khoảng 30%, còn lại là thực hiện các quy định quản lý chuyên ngành (như kiểm định, kiểm dịch...) do các bộ ngành khác quy định, bà Đặng Bình An cho biết danh mục hàng hóa cần phải kiểm tra, kiểm định do các bộ công bố rất nhiều nhưng lại thiếu tiêu thức rõ ràng nên đây chính là những cái khó của doanh nghiệp. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu gỗ và sản phẩm làm từ gỗ phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nên khi nhập cái ghế cũng thuộc đối tượng kiểm tra.

Bà Đặng Phương Dung, tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, bày tỏ các doanh nghiệp dệt may đang bị vướng bởi thông tư 40 về kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu các sản phẩm sợi. “Mặt hàng sợi đã trải qua quá trình sản xuất công nghiệp mà vẫn phải kiểm dịch thực vật. Tôi không thể hiểu nổi là mặt hàng sợi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thực vật hay cây trồng?”, bà Dung thắc mắc.

Rừng quy định...

Trả lời về các vấn đề liên quan, ông Ngô Minh Hải - cục phó Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan, nêu tất cả văn bản cấm nhập khẩu, các quy định kiểm tra là do các bộ, ngành ban hành, cơ quan hải quan chỉ thực hiện. Thực tế doanh nghiệp vướng mắc cũng chính là vướng mắc hải quan phải đối mặt.

Liên quan đến “rừng” thủ tục, ông Nguyễn Giang Tiến - Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không - nhận định nếu đọc qua danh mục về khai báo hóa chất thì chắc không ít người bị chóng mặt, thậm chí muốn ngất vì quy định quá nhiều loại giấy tờ. Ông dẫn chứng quy định cấp giấy phép nhập khẩu đối với hóa chất hạn chế nhập khẩu.

“Quy định hiện hành có đến 13 loại giấy tờ phải nộp như đơn đề nghị cấp giấy phép bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh, bản sao hợp lệ đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bản kê khai phương tiện vận tải chuyên dùng, bản sao hợp lệ bằng đại học chuyên ngành hóa chất của giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật... Thật không thể hiểu nổi!”, ông Tiến đã thốt lên như vậy.

Cho biết bức xúc với cách làm tùy tiện của một số cán bộ hải quan, đòi thêm tới 12-13 loại giấy tờ, ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng CIEM - cho rằng giải pháp của Bộ Tài chính ra công văn chấn chỉnh chỉ là giải pháp tình thế, không có hệ thống, có thể hành động tương tự sẽ lặp lại. “Tại sao không thanh tra, kỷ luật?”, ông Cung khuyến nghị.

Ông Phan Vinh Quang, cán bộ dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho biết theo tính toán, nếu rút ngắn thời gian thông quan một ngày, nền kinh tế sẽ có lợi khoảng 1,6 tỷ USD. Trong khi nhiều doanh nghiệp nêu nhiều giấy phép, quy định thủ tục không có tác dụng ngăn chặn. Vì vậy, Việt Nam cần tính toán giảm những giấy phép như vậy.

Để giúp doanh nghiệp giảm các chi phí không đáng có khi nhập khẩu hàng hóa, bà Đặng Phương Dung cho rằng các bộ ngành cần phải giảm bớt mặt hàng nằm trong danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan. Những thiệt hại đó không phải do doanh nghiệp gây ra nhưng doanh nghiệp là nơi trực tiếp hứng chịu. Nhưng xét cho cùng, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nhất khi những chi phí do chậm thông quan hàng hóa, chi phí đi lại khi đến các bộ xin giấy phép nhập khẩu hàng hóa... sẽ được tính vào giá sản phẩm. 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141011/cho-ca-oto-ho-so-nop-hai-quan/656941.html

Theo C.V.Kình-L.Thanh/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm