Một trong những đề xuất gây nhiều tranh cãi trước kia là đề xuất ý tưởng của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Trần Đình Nhã: đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự để đảm bảo sự công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tuy nhiên phía Chính phủ, Bộ Quốc phòng không đồng tình với đề nghị nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự và không quy định vào dự thảo Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi) này. Bởi thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
“Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng, và nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khẳng định và cho biết hằng năm có gần bảy triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), số lượng gọi nhập ngũ rất ít. Trong điều kiện đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khăn, nếu được quy định vào Luật sẽ chưa có tính khả thi.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật đã quy định việc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng như: Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...; Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, trong đó có ít nhất mười hai tháng làm nhiệm vụ dân quân tự vệ thường trực...
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân và sẽ không có quy định nghĩa vụ thay thế. |
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết, có rất ít quốc gia trên thế giới quy định nghĩa nghĩa vụ thay thế, nếu có quy định cũng rất hạn chế và phải được Hiến pháp quy định. Chẳng hạn Luật Liên bang Nga về phục vụ dân sự thay thế nghĩa vụ quân sự chỉ quy định thực hiện trong những trường hợp trái với tôn giáo hay tín ngưỡng hoặc dân tộc thiểu số ít người, có lối sống truyền thống, có nền kinh tế truyền thống và làm nghề truyền thống.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự lần này cần có quy định để bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.
“Hiện nay số lượng công dân tham gia nhập ngũ rất ít, các trường hợp khác không nhập ngũ nhưng cũng không thực hiện nghĩa vụ gì với Nhà nước để thể hiện trách nhiệm của mình trong bảo vệ Tổ quốc” – Thứ trưởng Tụng nêu.
Bộ Tư pháp cho rằng, vấn đề nghĩa vụ quân sự thay thế đã được đặt ra trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, cần nghiên cứu để quy định dự thảo Luật này theo hướng bảo đảm cho công dân bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong bảo vệ Tổ quốc.
Bộ Tư pháp nhấn mạnh, cần phải xác định cụ thể hơn địa vị pháp lý cho đối tượng là công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; dân quân tự vệ; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân… cần được coi là một “loại nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự” của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Tại phiên thảo luận về Luật nghĩa vụ quân sự sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Ai cũng có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đến tuổi cứ đi nghĩa vụ quân sự rồi về làm gì thì làm!”.