Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính sách thoáng nhất chờ đón 2015

Năm 2015, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có độ mở thoáng chưa từng thấy. Nhiều chính sách mang tính bước ngoặt hứa hẹn tạo nên một sự thay đổi đột phá mới.

1. Bỏ đăng ký ngành nghề kinh doanh, bỏ giấy phép đầu tư

Đứng trước một cơ hội kinh doanh mới, một doanh nghiệp (DN) có thể sẽ đành ngậm ngùi nuối tiếc vì đã không đăng ký ngành nghề này khi mở công ty. Còn nếu cố tình lấn sân, ông chủ sẽ phạm tội kinh doanh trái phép.

Nhưng từ 1/7/2015, câu chuyện này sẽ thay đổi. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, DN sẽ được kinh doanh, đầu tư những gì mà pháp luật không cấm. Còn theo Luật Đầu tư mới, chỉ có 6 ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Dù thế, vẫn có hàng trăm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thấy bỡ ngỡ với quy định thông thoáng ngoài sức tưởng tượng này.

Trong khi đó, nếu trước đây, một dự án có vốn 15 tỷ đồng trở lên, thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện, thì DN trong và ngoài nước đều phải làm thêm thủ tục xin giấy phép đầu tư. Đến nay, DN trong nước đã được miễn hoàn toàn việc này.

Luật Đầu tư 2014 còn cho phép, các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn FDI dưới 51% thì sẽ được đối xử như DN trong nước với những quy định cởi mở trên. Trước đây, chỉ cần có 1% vốn ngoại thì nghiễm nhiên sẽ có sự khác biệt.

Năm 2015, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có độ mở thông thoáng chưa từng thấy
Năm 2015, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có độ mở thông thoáng chưa từng thấy.
2. Một DN, nhiều con dấu

Theo Luật Doanh nghiệp, DN có quyền có nhiều con dấu, có hình thức tròn, vuông tuỳ ý và không phải xin phép cơ quan công an. DN chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Quyền lực của con dấu bị cắt bỏ. Nếu như một cá nhân chiếm giữ con dấu cũng sẽ không không thể làm tê liệt hoạt động của cả một DN như trước đây.

Song, sự thay đổi này vẫn quá mới mẻ, nhiều DN tự hỏi phải làm sao nếu có kẻ mạo danh con dấu của mình?. Song, băn khoăn này sẽ được giải quyết trong tương lai. Các nhà soạn thảo chính sách còn hướng tới sẽ bỏ hẳn con dấu doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp tha hồ chi quảng cáo

Theo Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật Thuế năm 2014, từ 2015 trở đi, các DN chi bao nhiêu vào quảng cáo thì sẽ được trừ bấy nhiêu khi tính thu nhập chịu thuế. Ngân sách trước mắt có thể sẽ thiệt đi một chút, vì số thu giảm đi.

Có lẽ, các DN là sữa mừng hơn cả.Tháng 4/2014, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho biết, có 4 ông lớn ngành sữa đã chi 386 tỷ đồng dành cho quảng cáo sữa vượt ngoài quy định 15%, làm tăng giá bán sản phẩm sữa từ 2,18-16,39%.

Theo các chuyên gia, việc dỡ trần quảng cáo là một quyết định đúng đắn, hợp với thông lệ quốc tế và góp phần tăng năng lực cạnh tranh, khuyến khích DN mở rộng kinh doanh.

4. Giảm 370 giờ nộp thuế, 227 giờ đóng tiền bảo hiểm

Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải tăng lên ở mức trung bình trong ASEAN-6. Mục tiêu cụ thể là phải giảm từ 872 giờ nộp thuế (gồm cả thời gian đóng bảo hiểm xã hội), theo báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới xuống 171 giờ vào năm 2015.

Ngành thuế và bảo hiểm xã hội trong 6 tháng cuối năm 2014 đã loại bỏ gần 300 thủ tục hành chính. Nhờ đó, từ 1/1/2015 trở đi, doanh nghiệp nộp thuế đã giảm 370 giờ với các sửa đổi ở Thông tư 119, Thông tư 151 của Bộ Tài chính và Luật sửa đổi các điều liên quan đến thuế. Với ngành bảo hiểm xã hội, thời gian làm thủ tục đã giảm 227 giờ.

Trong năm 2015, ngành thuế còn phải chịu trách nhiệm giảm tiếp 45,5 giờ và ngành bảo hiểm xã hội sẽ giảm 58,5 giờ.

Cuộc cải cách này không chỉ mang lại tiền bạc, thứ hạng cho Việt Nam trên trường quốc tế, mà mang đến một niềm tin cho cộng đồng DN. Tổ chức tư vấn quốc tế đã ước tính, giảm 1 ngày thông quan, Việt Nam tiết kiệm được 1,6 tỷ USD. Giảm 701 giờ nộp thuế, Việt Nam tiết kiệm được 6,6 ngàn tỷ đồng.

5. Một cửa quốc gia: môi trường phi giấy tờ

Nhiều chính sách mang tính bước ngoặt hứa hẹn tạo nên một sự thay đổi đột phá mới
Nhiều chính sách mang tính bước ngoặt hứa hẹn tạo nên một sự thay đổi đột phá mới.
Một môi trường giao dịch với cơ quan Nhà nước phi giấy tờ, hàng trăm thủ tục hành chính đều được thực hiện qua mạng Internet. DN sẽ không còn phải xếp hàng dài chờ đợi nộp chứng từ kê khai, cũng không còn cảnh chạy ngược chạy xuôi xin chứng nhận, nộp giấy tờ... ở nhiều cơ quan tại nhiều nơi khác nhau.

Năm 2015, với Cơ chế một cửa quốc gia và hướng tới Cơ chế một cửa ASEAN, một bộ hồ sơ của DN sẽ chỉ cần nộp một nơi duy nhất. Bởi các bộ ngành đã kết nối với nhau, với một hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chung.

7 Bộ ngành sẽ hoàn tất kết nối với nhau gồm: Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến năm 2016, cơ chế này sẽ mở rộng đến các Bộ, ngành còn lại.

Ngành thuế và bảo hiểm xã hội, hải quan cũng đã đồng loạt chuyển sang hình thức giao dịch điện tử.

Năm 2015 sẽ có 100% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Thay vì phải xếp hàng tại các chi cục thuế khi tới kỳ quyết toán, các DN chỉ cần ngồi trước máy tính, kết nối mạng, đăng nhập và kê khai theo hướng dẫn. Thời gian mất... chưa đến 5 phút. Thông quan điện tử được áp dụng giúp cho hàng hoá đi luồng xanh thì còn mất đúng 3 giây để hoàn tất thủ tục.

Không còn phải giao dịch trực tiếp với các công chức, DN sẽ thoát khỏi gánh nặng chi phí bôi trơn và các công chức cũng hết đường vòi vĩnh ăn vặt.

6. Người nước ngoài được mua nhà và cho vay BĐS nhiều hơn

Sau 5 năm thí điểm, Luật Nhà ở sửa đổi năm 2014 đã gỡ nút thắt này: Các cá nhân người nước ngoài có thị thực từ 12 tháng trở lên sẽ được phép mua nhà tại Việt Nam, thay vì chỉ giới hạn các nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao như trước.

Quy định mới đã cho phép, một người nước ngoài có thể sở hữu tới 30% toà chung cư, không quá 250 căn hộ trên một đơn vị hành chính cấp phường. Nếu một chung cư có 1.000 căn hộ thì các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài này có thể sở hữu tới 330 căn.

Trong khi đó, từ mức rủi ro 250%, Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nới hệ số rủi ro cho vay bất động sản, chứng khoán xuống chỉ còn 150%.

Đây là một quyết định tháo van bất động sản rõ rệt. Các ngân hàng có thể cho vay bất động sản nhiều hơn gấp rưỡi so với quy định cũ. Thị trường có thêm một cú hích lớn và người dân qua đó cũng có thêm cơ hội tiếp cận vốn mua nhà.

 

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/214552/chinh-sach--thoang--nhat-cho-don-2015.html

Theo Phạm Huyền / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm