Từ đầu tháng 6, nhiều quy định, chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý có nhiều hành vi sai phạm cụ thể được đề cập trong nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, văn hóa.
Phạt đến 30 triệu nếu mở quán karaoke quá 12h đêm
Từ 1/6, quy định này sẽ được áp dụng theo Nghị định 38 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo. Theo đó, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng được áp dụng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm một trong các hành vi như: Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 24h mỗi ngày; sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
Hành vi đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Quán karaoke mở cửa quá 12h đêm có thể bị phạt đến 30 triệu đồng. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đáng lưu ý, nghị định quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi không mặc trang phục hoặc không đeo biển tên do người sử dụng lao động cung cấp; phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với hành vi không cung cấp trang phục hoặc không cung cấp biển tên cho người lao động.
Với hoạt động quảng cáo trên truyền hình, Nghị định này cũng có nhiều quy định đáng chú ý. Cụ thể như: Phạt 50-100 triệu đồng nếu quảng cáo trong chương trình thời sự; quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình; quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện…
Nghị định 38 có hiệu lực từ 1/6, thay thế Nghị định 56 và Nghị định 158.
Nói tục, chửi thề ở lễ hội bị phạt đến 500.000 đồng
Cũng từ ngày đầu tiên của tháng 6, nhiều mức phạt mới sẽ được áp dụng với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo theo Nghị định 38 của Chính phủ.
Nghị định này nêu rõ mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam; thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, nghị định nêu rõ mức phạt tiền từ 500.000 đến một triệu đồng đối với hành vi chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Mức phạt 1-3 triệu đồng được áp dụng cho vi phạm bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội…
Trung tâm việc làm phải có ít nhất 15 viên chức
Đây là nội dung mới tại Nghị định 23 của Chính phủ hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/6.
Chính phủ quy định khi thành lập trung tâm dịch vụ việc làm bắt buộc phải thỏa mãn các điều kiện sau: Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm; phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ…
Đặc biệt, trung tâm dịch vụ việc làm bắt buộc phải có ít nhất 15 người làm việc là viên chức. Nghị định 196 hiện nay chỉ yêu cầu trung tâm có ít nhất 15 cán bộ trình độ cao đẳng trở lên.
Thêm cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT
Nghị định 43 được Chính phủ ban hành quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 1/6.
Cơ sở dữ liệu này có nhiều thông tin liên quan đến BHXH, BHYT của người tham gia. Cụ thể như:
- Về bảo hiểm y tế: Có mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng.
- Về bảo hiểm xã hội: Có mã số bảo hiểm xã hội; phương thức đóng; quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội…
- Về bảo hiểm thất nghiệp: Có quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Người tham gia bảo hiểm sẽ có thêm một cách tra cứu thông tin bảo hiểm thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. |
Cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm. Đồng thời, cá nhân được trích xuất thông tin của mình; dữ liệu trích xuất được ký số bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, ngoài các cách tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT đang áp dụng hiện nay là qua website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, qua việc gửi tin nhắn đến đầu số 8079 hoặc qua ứng dụng VssID, thì sắp tới, người tham gia bảo hiểm còn có thêm một cách khác là tra cứu thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm.
Trúng đấu giá SIM số đẹp phải sử dụng ít nhất 6 tháng
Quyết định 16 của Thủ tướng về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet cũng được áp dụng từ ngày 1/6. Theo đó, kho số viễn thông được đấu giá là các mã, số viễn thông có cấu trúc đặc biệt và được xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Để được tham gia đấu giá mã, số viễn thông, các doanh nghiệp, tổ chức cần đáp ứng đủ 4 điều kiện sau đây:
- Được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kỹ thuật phù hợp với từng loại mã, số viễn thông;
- Phải cam kết triển khai việc đưa mã, số viễn thông vào khai thác, sử dụng tối thiểu 06 tháng sau khi trúng đấu giá;
- Nộp đầy đủ các khoản phí sử dụng kho số, tần số, nghĩa vụ công ích, phí quyền hoạt động viễn thông trước khi tham gia đấu giá (nếu có);
- Có giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông phù hợp với loại mã, số viễn thông được đấu giá; giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động.
Bình luận