Từ tháng 5, hàng loạt nghị định, thông tư mới của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, nhiều chính sách liên quan tới giáo dục, thông tin cư trú của công dân, miễn, giảm lãi vay của ngân hàng...
Người dân tra cứu thông tin cư trú bằng tin nhắn
Nội dung này được đề cập trong Nghị định 37 sửa đổi Nghị định 137 của Chính phủ hướng dẫn Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 14/5.
Nghị định này cho phép công dân khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Ảnh: Nguyễn Hiếu. |
Cũng theo Nghị định, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngay sau khi xác lập được số định danh cá nhân cho công dân, cơ quan trên sẽ có văn bản thông báo cho công dân về số định danh cá nhân đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tổ chức công an xã chính quy ở địa bàn trọng điểm
Có hiệu lực từ 16/5, Nghị định 42 của Chính phủ về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, chính thức đưa ra lộ trình thực hiện chủ trương này.
Theo đó, trước ngày 30/6 phải hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự;
Một năm sau, phải hoàn thành tổ chức công an xã chính quy ở các xã, thị trấn còn lại.
Đối với xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, trường hợp công an xã bán chuyên trách được đồng ý tiếp tục sử dụng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã cho đến khi có văn bản khác.
Ngân hàng miễn, giảm lãi vay do ảnh hưởng của Covid-19
Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 17/5. Cơ quan này chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn, giảm lãi, phí đến ngày 31/12/2021 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng.
Việc miễn, giảm lãi, phí được áp dụng trong trường hợp nghĩa vụ trả nợ gốc - lãi đến hạn thanh toán trong thời gian từ 23/1/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của Covid-19.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021…
Bồi dưỡng người không có bằng sư phạm thành giáo viên THCS, THPT
Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 22/5, ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT.
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, những người không có bằng sư phạm vẫn có thể được đào tạo để trở thành giáo viên THCS, THPT. Ảnh: Việt Hùng. |
Những trường hợp này gồm: Người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, cấp THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT; các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Sau khi hoàn thành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, người học sẽ có những phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
Cử nhân 6 chuyên ngành có thể thành giáo viên tiểu học
Cũng có hiệu lực từ 22/5, Thông tư 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học.
Theo đó, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp gồm: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, muốn trở thành giáo viên tiểu học chỉ cần tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Người học sẽ được đào tạo 13 học phần bắt buộc tương đương 31 tín chỉ và chọn 2/7 học phần tự chọn, tương đương 4 tín chỉ. Hình thức tổ chức bồi dưỡng gồm bồi dưỡng trực tiếp kết hợp với bồi dưỡng trực tuyến. Học viên thực hiện trên 80% số tiết trên lớp và hoàn thành các nhiệm vụ học tập thì được tham dự đánh giá học phần.
Lần đầu quy định về dạy học trực tuyến
Thông tư 09 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 16/5 là văn bản đầu tiên được ban hành quy định về tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Văn bản này có nhiều quy định mới về hoạt động dạy học trực tuyến.
Theo đó, việc dạy học trực tuyến được thực hiện theo các bài học hoặc chủ đề trong chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học.
Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại trường học, nhưng trường hợp học sinh không thể đến trường bởi lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Giáo viên dạy học trực tuyến cần tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh; phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.
Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động có bảo hiểm thất nghiệp
Từ 15/5, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 17 của Thủ tướng về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định 17 của Thủ tướng quy định tăng mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Mức hỗ trợ học nghề với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng. Trong khi đó, quy định hiện hành nêu mức hỗ trợ tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng, không phân chia cụ thể theo thời gian đào tạo.
Bỏ thu lệ phí gia hạn hộ chiếu
Thông tư 25 do Bộ Tài chính ban hành về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5.
Theo đó, trong biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèo theo không còn quy định về mức thu lệ phí gia hạn hộ chiếu như quy định hiện hành nữa với mức thu 100.000 đồng/lần.
Ngoài ra, Thông tư này quy định miễn lệ phí cấp hộ chiếu đối với 3 trường hợp: Người Việt Nam ở nước ngoài có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người Việt Nam ở nước ngoài phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân nhưng không có hộ chiếu và những trường hợp nhân đạo.
Đây cũng là một trong những điểm mới vì thông tư hiện hành không quy định các trường hợp này.
4 điểm mới trong giao dịch thuế điện tử
Có hiệu lực từ 3/5, Thông tư 19 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với một số điểm mới đáng lưu ý.
Thông tư bổ sung quy định hồ sơ thuế điện tử bao gồm: Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; miễn thuế, giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung quy định chứng từ nộp ngân sách Nhà nước điện tử. Theo đó, trường hợp nộp thuế qua hình thức điện tử thì chứng từ nộp ngân sách là chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Trước đây, quy định chứng từ nộp thuế điện tử là giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.