Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương 52 điều quy định Quốc hội có quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ, về đối ngoại... có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.
Kết quả trưng cầu ý dân có hiệu lực từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.
Cấm lợi dụng điểm yếu các trang mạng để khai thác thông tin cá nhân
Luật An toàn thông tin mạng có hiệu lực từ 1/7, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.
Trong luật quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hoạt động an toàn thông tin mạng của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, cá nhân không được xâm phạm an toàn thông tin mạng của tổ chức, cá nhân khác.
Từ 1/7, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít sẽ được giảm thuế mạnh nhưng thuế các dòng xe có dung tích lớn lại tăng. |
Giảm thuế với nhiều dòng ôtô
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi và Luật Quản lý thuế có nhiều thay đổi trong áp thuế với những dòng xe ôtô khác nhau.
Cụ thể, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít sẽ được giảm thuế từ 45% xuống còn 40%. Ngược lại, thuế của các dòng xe dung tích lớn sẽ tăng mạnh. Với các dòng xe có dung tích trên 2,5-3 lít, thuế sẽ tăng lên 55%, dòng xe 3-4 lít có mức thuế 90%, xe từ 5 đến 6 lít là 130%, xe trên 6 lít thuế áp dụng mức 150%.
Đây được xem là mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao kỷ lục áp dụng với các dòng xe này khi thuế suất áp dụng hiện hành chỉ 60%. Các xe phổ thông cỡ lớn hoặc xe sang, siêu sang, xe thể thao là những phương tiện sử dụng những loại động cơ cỡ lớn trên.
Phạt 200.000 đồng nếu không mặc áo phao khi qua sông
Hành khách có thể bị xử phạt 200.000 đồng nếu đi trên phương tiện chở khách ngang sông mà không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
Đây là nội dung nổi bật trong nghị định của Chính phủ về việc quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Bên cạnh đó, người lái phương tiện, thuyền viên có trách nhiệm phát, hướng dẫn cách sử dụng áo phao cứu sinh , dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách.
Trường hợp không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị và dụng cụ an toàn cho người và hành khách trên phương tiện, thuyền viên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với các phương tiện chở đến 12 khách.
7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn
Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khí tượng thủy văn có hiệu lực từ 1/7/2016. Theo đó, có 7 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn gồm: 1- Sân bay; 2- Hồ chứa thủy điện có cửa van điều tiết lũ và hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 3.000.000 m3 trở lên; hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông;
3- Cảng biển loại I và loại II; 4- Cầu qua vùng cửa sông ven biển, eo biển, vịnh hoặc các đảo vùng nội thủy có khẩu độ thông thuyền từ 500 m trở lên; 5- Tháp thu phát sóng phát thanh, truyền hình có kết hợp khai thác tham quan, kinh doanh phục vụ khách trên tháp; 6- Cáp treo phục vụ hoạt động tham quan, du lịch; 7- Vườn quốc gia.
Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc
Theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7, người sử dụng lao động phải thường xuyên theo dõi, giám sát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; phải có người hoặc bộ phận được phân công chịu trách nhiệm về kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
Cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam
Có hiệu lực từ 1/7, Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT phạt đến 80 triệu đồng
Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có hiệu lực 15/7/2016. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Mức phạt tiền cao nhất đối với tổ chức là 80 triệu đồng.
Cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.