Quy định mới về cơ chế thu học phí
Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 có hiệu lực từ 1/12.
Sinh viên đóng học phí tại ĐH Công nghiệp TP HCM. |
Theo đó, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 đến 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 đến 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 đến 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.
Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính
Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10 quy định doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính: Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
DNNN không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng
Theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/12/2015, DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản).
DNNN không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng.
Quy định mới về gia hạn hộ chiếu
Theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1/12, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp.
Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm (tại Nghị định 65/2012/NĐ-CP là 6 tháng) thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.
Quản lý lãnh đạo tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Nghị định 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ 5/12.
Nghị định này quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm định; kiêm nhiệm; đánh giá, bồi dưỡng kiến thức; quy hoạch; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư
Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ 10/12.
Trong đó quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.
Mua nhà ở xã hội được vay 80% giá trị hợp đồng
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 10/12, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà.
Chung cư 444 Ngô Quyền, nhà ở xã hội tại tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Khoa Nam. |
Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
2 trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư
Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 10/12, Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 2 trường hợp:
1. Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở.
2. Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại.
Quản lý chặt giá dịch vụ phi hàng không
Có hiệu lực từ 12/12, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không phải đảm bảo giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không; kiểm tra yếu tố hình thành giá, trường hợp cần thiết quy định giá hoặc khung giá...