Theo Bloomberg, Shouqi Group - công ty con của Tập đoàn Du lịch Bắc Kinh (BTG) - và các doanh nghiệp khác của chính quyền thủ đô Trung Quốc sẽ mua lại cổ phần ở Didi. Chính quyền Bắc Kinh thậm chí xem xét khả năng nhóm doanh nghiệp này mua cổ phần có quyền phủ quyết.
Chưa rõ Bắc Kinh quyết định mua lại bao nhiêu cổ phần Didi. Hiện công ty này nằm dưới quyền kiểm soát của nhà đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu. Họ nắm trong tay 58% cổ phần có quyền phủ quyết sau khi Didi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại New York (Mỹ).
SoftBank và Uber Technologies là hai cổ đông lớn của Didi.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã phạt nặng Didi vì IPO tại Mỹ hồi tháng 6 mà không được sự đồng ý của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC). Đầu tháng 7, CAC yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi vì công ty này thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.
Didi có thể đối mặt khoản phạt kỷ lục vì IPO tại Mỹ. Ảnh: AFP. |
Theo nguồn tin Bloomberg, chính quyền Trung Quốc cũng đang xem xét khả năng buộc Didi hủy niêm yết tại Mỹ.
Giới quan sát nhận định với việc mua cổ phần Didi, chính quyền Bắc Kinh sẽ nắm quyền kiểm soát nguồn dữ liệu khổng lồ về hàng trăm triệu người dùng. Trước đó, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một liên doanh với các tập đoàn Internet để quản lý các dữ liệu dạng này.
Nhiều chuyên gia dự đoán Bắc Kinh cũng sẽ phạt nặng Didi, thậm chí nặng hơn khoản phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD mà Alibaba phải hứng chịu. Chiến dịch trấn áp ngành công nghệ Trung Quốc đến nay đã kéo dài 11 tháng, có thời điểm xóa hơn 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa cổ phiếu công nghệ nước này.
Kể từ khi bị chính quyền Trung Quốc điều tra, giá trị vốn hóa của Didi đã lao dốc 1/3.