Động thái này diễn ra vào thời điểm quân đội đang vật lộn để kiểm soát biểu tình sau vụ chính biến ngày 1/2.
“Việc xếp nhóm này vào danh sách khủng bố sẽ chấm dứt từ ngày 11/3”, tờ báo Mirror Daily của nhà nước cho biết. Báo này cũng cho biết các cuộc tấn công đã kết thúc và chính quyền muốn xây dựng “hòa bình vĩnh cửu trên toàn quốc”.
Phát ngôn viên AA đã hoan nghênh hành động của chính quyền quân sự Myanmar, Reuters đưa tin.
Người phát ngôn của AA Khine Thu Kha cho biết bang Rakhine, nơi nhóm phiến quân hoạt động, đã trải qua nhiều năm bạo lực và việc loại nhóm khỏi danh sách khủng bố là hành động tích cực.
“Thông báo này có thể không giải quyết được các vấn đề của cả đất nước nhưng đây sẽ là bước khởi đầu để giải quyết các vấn đề ở bang Rakhine. Chúng tôi hoan nghênh điều này”, ông Khine Thu Kha nói với Reuters.
Binh sĩ của nhóm phiến quân AA trong trường huấn luyện quân sự vào năm 2014. Ảnh: The Irrawaddy. |
AA muốn đòi thêm quyền tự chủ ở phía tây bang Rakhine. Trong hai năm qua, nhóm phiên quân này trở thành một trong những lực lượng đáng gờm nhất đối đầu quân đội Myanmar.
AA đã được đưa vào danh sách các nhóm khủng bố vào năm 2020, dưới thời chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Một số trong hơn 20 nhóm vũ trang dân tộc của Myanmar đã chỉ trích cuộc chính biến và thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình. Tuy nhiên, họ không tăng cường hành động quân sự hoặc từ bỏ các thỏa thuận ngừng bắn.
AA không lên tiếng ủng hộ những người biểu tình. Phong trào phản đối cuộc chính biến cũng không diễn ra mạnh mẽ ở Rakhine.
Bang Rakhine đã thu hút sự chú ý của thế giới vào năm 2017 khi khoảng 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi một cuộc đàn áp của quân đội.