Từ khi thành lập dây chuyền đầu tiên tại Trung Quốc vào đầu những năm 2000, Apple đã mở rộng quy mô sản xuất, biến đất nước này trở thành trung tâm cung ứng thiết bị cho công ty trên toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Doug Guthrie nhận định sự phụ thuộc quá lớn có thể gây khó khăn cho Táo khuyết trước những yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc.
Guthrie là một trong những chuyên gia hàng đầu về thiết lập quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Năm 2014, Guthrie gia nhập Apple để tư vấn hoạt động của công ty tại Trung Quốc.
Cảm nhận các công ty phương Tây sẽ gặp khó tại Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, Guthrie cho rằng Apple có thể là một trong những mục tiêu lớn nhất. Đa số sản phẩm Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. Đất nước này cũng là thị trường lớn thứ 2 của Táo khuyết trên toàn cầu.
"Các vị có hiểu Tập Cận Bình là ai không? Có nghe những gì đang diễn ra ở đây không?" là các câu hỏi Guthrie đưa ra trong buổi họp với các lãnh đạo Apple. Ông đã giải thích kỹ các rủi ro mà Apple có thể đối mặt khi vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.
Apple nhượng bộ Trung Quốc
Trên thực tế, nhiều công ty Mỹ như Apple, Nike đã đối mặt tình cảnh khó khăn dưới thời ông Tập. Dù hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc vẫn sinh lời, những yêu cầu, chính sách được ban hành đang làm khó các doanh nghiệp Mỹ.
Samm Sacks, chuyên gia về Trung Quốc tại tổ chức New America Foundation cho rằng các công ty phương Tây thường xuyên gặp khó khi kinh doanh tại Trung Quốc. Những thách thức luôn hiện hữu và thay đổi theo thời gian.
Trung tâm dữ liệu mới của Apple tại Quý Dương (Trung Quốc) dùng để lưu trữ thông tin người dùng iCloud nước này. Ảnh: Airbus. |
Tương tự nhiều công ty Mỹ, Apple dễ dàng bị ảnh hưởng bởi chính sách của chính phủ Trung Quốc. Giữa tháng 5, bài viết trên New York Times cho thấy nhằm tuân thủ quy định mới về an ninh mạng của Trung Quốc, Apple đã chấp nhận xây dựng trung tâm dữ liệu tại Quý Dương để lưu trữ thông tin người dùng iCloud tại nước này.
Theo Apple, dữ liệu người dùng iCloud khi chuyển sang máy chủ địa phương sẽ được đảm bảo an toàn, kiểm soát theo quy trình bảo mật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bài báo khẳng định hãng đã "nhường phần lớn quyền kiểm soát cho chính phủ Trung Quốc".
Trả lời báo chí, Apple bác bỏ nhận định để mặc dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
"Chúng tôi chưa bao giờ xâm phạm sự bảo mật của người dùng, cũng như dữ liệu của họ tại Trung Quốc hay bất cứ nơi nào", phát ngôn viên của Apple cho biết ông Guthrie chỉ là nhân viên bậc trung, không chịu trách nhiệm ban hành chính sách tại Apple. Ông đã rời Táo khuyết vào năm 2019.
Tiềm năng và sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Khi còn là sinh viên năm 2, chuyên ngành Kinh tế học tiếng Quan Thoại tại Đại học Chicago, Guthrie tạm dừng việc học, vay tiền từ gia đình rồi chuyển sang Đài Loan. Tại đây, ông tham gia đạp xe cùng câu lạc bộ mỗi sáng, học tiếng Quan Thoại rồi dạy tiếng Anh vào buổi chiều.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California, Guthrie tham gia giảng dạy ở Đại học New York vào năm 1997. Nhờ những nghiên cứu về tiềm năng kinh tế của Trung Quốc, Guthrie được nhiều công ty tìm đến để nhờ tư vấn.
Apple mở rộng dây chuyền tại Trung Quốc bằng nhà máy sản xuất iPod, dòng sản phẩm bán chạy của hãng vào đầu những năm 2000. Ảnh: Getty Images. |
Thời điểm đó, Trung Quốc đang chuyển hướng từ đất nước sản xuất đồ chơi, giày tennis sang xe hơi và máy tính. Chính phủ nước này thường yêu cầu các công ty nước ngoài chia sẻ công nghệ, đổi lấy quyền tiếp cận nguồn lao động và khách hàng.
Để ngăn chặn điều đó, Guthrie và những chuyên gia khác đã thúc đẩy việc kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2001, Trung Quốc là thành viên của tổ chức.
Cùng năm đó, Apple mở dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Dù chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, các lãnh đạo Apple nhanh chóng nhận ra tiềm năng tại đất nước này.
Năm 2004, Apple mở rộng dây chuyền tại Trung Quốc bằng nhà máy sản xuất iPod, sản phẩm ăn khách của hãng vào thời điểm ấy. Trong lúc khảo sát địa điểm, lãnh đạo đối tác sản xuất của Apple chỉ vào ngọn núi nhỏ phía xa, nói rằng nhà máy sẽ xây dựng ở đó. Các giám đốc Apple có phần bối rối, nhưng nhà máy cần xây dựng và hoạt động sau 6 tháng.
Chưa đầy một năm sau, các giám đốc Apple trở lại Trung Quốc. Nhà máy đang hoạt động và ngọn núi biến mất. Chính phủ Trung Quốc đã "dời" ngọn núi ấy để phục vụ Apple.
Trong nhiều năm sau, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để thiết lập chuỗi cung ứng cho Apple, hỗ trợ tuyển dụng công nhân và xây nhà máy. Hiện nay, đa số iPhone, iPad và máy tính Mac của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc.
Sau khi nghỉ việc tại Trường Kinh doanh Đại học George Washington vào năm 2014, Guthrie làm việc cho Apple, tư vấn về hoạt động của công ty tại Trung Quốc. Dự án nghiên cứu đầu tiên của Guthrie liên quan đến chuỗi cung ứng.
CEO Apple Tim Cook bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP. |
Khi mới làm việc, Guthrie cho biết các lãnh đạo Apple nhận thấy sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc nên muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ấn Độ và Việt Nam là 2 quốc gia được cân nhắc, nhưng Guthrie cho rằng đó không phải sự thay thế phù hợp.
Dù chính phủ Việt Nam cởi mở hợp tác, Guthrie nhận thấy lượng công nhân tại đây chưa đủ nhiều. Trong khi đó, Ấn Độ đông dân nhưng yếu tố liên quan đến bộ máy chính quyền khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà máy trở nên phức tạp.
Nhiều dây chuyền sản xuất, là đối tác của Apple đã được mở tại Việt Nam, Ấn Độ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, CEO Tim Cook từng công khai tuyên bố chuỗi cung ứng của họ vẫn sẽ tập trung tại Trung Quốc.
Đối với Guthrie, lập trường trên dễ khiến Apple gặp nguy hiểm, đặc biệt khi chính phủ Trung Quốc nhiều lần gây sức ép lên các doanh nghiệp Mỹ. Năm 2014, nước này ra chính sách giới hạn tỷ lệ lao động tạm thời trong lực lượng nhân công của một nhà máy xuống 10%. Từ ngày đầu tiên áp dụng, Apple và các nhà cung ứng đã vi phạm quy định.
Guthrie cho biết các lãnh đạo Apple lo lắng và bối rối. Họ biết công ty không thể tuân thủ quy định do lao động tạm thời rất cần để đáp ứng thời điểm nhu cầu mua sắm tăng.
"Bạn được cho là không tuân thủ quy định. Họ làm vậy không phải để đóng cửa nhà máy của bạn, mà để bạn nhận ra họ muốn gì rồi tìm giải pháp đáp ứng", Guthrie cho biết.
Lời cảnh báo thành sự thật
Guthrie đã giải thích cặn kẽ rủi ro của Apple khi tập trung quá nhiều dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Sự phụ thuộc ấy khiến công ty có rất ít đòn chống đỡ.
Trên thực tế, Apple đã "vật lộn" với nhiều yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Có thời điểm họ muốn Apple cung cấp mã nguồn bảo mật của iPhone, nghĩa là phải tạo ra "cửa hậu" cho phép nhà chức trách vượt qua lớp bảo mật.
Trung Quốc mang đến thị trường kinh doanh lớn cho Apple, nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào đất nước tỷ dân đã gây nên tình thế khó xử cho Táo khuyết. Ảnh: Reuters. |
Một lãnh đạo tiết lộ Apple đã bác bỏ yêu cầu, đồng thời giải thích với chính phủ Trung Quốc rằng họ không cần dữ liệu người dùng.
Apple còn phải chú ý đến thứ hạng trong danh sách công ty có trách nhiệm xã hội được Trung Quốc công bố thường niên. Năm 2017, hãng đã chia sẻ báo cáo về những đóng góp tại Trung Quốc. Các lãnh đạo Apple đã vui mừng khi báo cáo được chính phủ Trung Quốc khen ngợi.
Điểm số trách nhiệm xã hội của Apple tại Trung Quốc tăng đều đặn. Từ năm 2016 đến 2020, thứ hạng của Apple nhảy từ 141 lên 30 trên tổng số các doanh nghiệp hoạt động tại đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Apple cũng thành công trong việc từ chối các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, Tim Cook đã đồng ý lưu trữ dữ liệu người dùng trên máy chủ được vận hành bởi chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, thiết bị phần cứng gọi là "chìa khóa" giải mã dữ liệu iCloud cũng được đặt ở Trung Quốc, không phải Mỹ.
Cảnh báo của Guthrie đã đúng. Trung Quốc mang đến thị trường kinh doanh lớn cho Apple, nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào đất nước tỷ dân đã gây ra tình thế khó xử cho Táo khuyết.