Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ không để có khoảng trống pháp lý

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ bị điểm danh làm rõ nguyên nhân dẫn tới chậm trễ trong việc xây dựng các nghị định, thông tư, quyết định.

Chiều 17/4, Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đang nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/6 đến 1/7.

Theo báo cáo cập nhật đến ngày 13/4, tổng số văn bản quy định chi tiết nợ đọng có 25 văn bản, trong đó có 8 nghị định, 1 quyết định, 16 thông tư.

Trong đó, văn bản “nợ” lâu nhất là 3 năm, 3 tháng, 17 ngày. Đó là, thông tư về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Thông tư này quy định chi tiết Luật Giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Một văn bản chậm kéo dài nữa là thông tư hướng dẫn các biểu mẫu báo cáo lập, theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo chậm hơn 2 năm, 3 tháng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu tên bộ có nhiều văn bản “nợ” nhất là Bộ Y tế nợ 1 nghị định với 7 thông tư. Trong đó, có 1 nghị định và 5 thông tư quy định chi tiết Luật Dược (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) và 2 thông tư quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017).

Đứng thứ hai thuộc về Bộ Tài chính khi “nợ” 4 nghị định và 1 thông tư quy định chi tiết Luật Ngân sách Nhà nước đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Cũng liên quan đến việc quy định chi tiết Luật Dược, Bộ TN&MT còn “nợ” 1 nghị định; Bộ NN&PTNT nợ 1 nghị định.

Bộ Công thương nợ 2 thông tư quy định chi tiết Pháp lệnh Quản lý thị trường (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016); Bộ Giáo dục Đào tạo “nợ” 1 nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phục lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017).

van ban con no dong anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai TIến Dũng. Ảnh: VPG.

Bộ Quốc phòng nợ 2 thông tư. Một thông tư hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015). Và thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết Luật an toàn, vệ sinh lao động (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016).

Ngoài ra, Bộ TT&TT nợ 1 quyết định và 2 thông tư quy định chi tiết luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016).

Đại diện các bộ cũng “hứa” và cam kết, sẽ sớm trả hết nợ, chủ yếu, trong tháng 4, 5 sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết.

Riêng thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng hứa sẽ ban hành trước ngày 30/7.

Còn thông tư quy định chi tiết về điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện thông tư đang trong giai đoạn soạn thảo do còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự kiến, tháng 12/2017 mới ban hành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, VPCP sẽ hết sức đổi mới, phối hợp chặt chẽ với các bộ trong xây dựng thể chế. Trường hợp văn bản còn có những ý kiến xung đột giữa các bộ, VPCP sẽ chủ trì để các bộ ngồi lại với nhau, giải quyết xung đột, chứ không để văn bản phải “đẩy đi đẩy lại” mãi.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm