Chiều 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đột xuất xem xét tờ trình của Chính phủ về giải quyết các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền để đẩy mạnh công tác phòng, chống Covid-19.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Địa phương có thể chủ động áp dụng biện pháp cấp bách
Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ cho phép lãnh đạo địa phương chủ động áp dụng giải pháp theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng. Căn cứ vào tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại những văn bản này.
Cùng với đó, Chính phủ cho phép địa phương chủ động áp dụng linh hoạt biện pháp hạn chế phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định và tại một số khu vực, địa bàn cần thiết.
Bên cạnh đó là biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng phương tiện thông tin liên lạc; huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch lây lan trong phạm vi địa phương thuộc quyền quản lý.
Chính phủ cho phép địa phương chủ động áp dụng linh hoạt biện pháp hạn chế phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định. Ảnh: Việt Linh. |
Chính phủ yêu cầu địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 không để người dân tự phát rời khỏi địa phương. Đặc biệt, áp dụng nghiêm chế tài theo quy định của pháp luật, kể cả xử lý hình sự, đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối thực hiện biện pháp phòng, chống dịch đã được ban hành.
Về chiến lược vaccine, Chính phủ khẳng định việc ngoại giao vaccine đang được thực hiện bằng mọi biện pháp để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Chính phủ giao Bộ Y tế kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, thành phố có nhiều người nhiễm, tình hình dịch phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, công nhân; linh hoạt hướng dẫn đối tượng được tiêm cho phù hợp tình hình.
Bộ Y tế cùng các địa phương được giao xây dựng 3 kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc.
Ngoài ra, Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19. Theo đó, khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc, vaccine nhập khẩu thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vaccine đã được cấp phép lưu hành.
Thuốc điều trị, vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả sẽ được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện.
Quy định cụ thể để tránh tùy tiện, quy định vượt mức
Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc ban hành văn bản này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ quy định cụ thể để tránh việc các địa phương áp dụng tùy tiện. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng chủ động quyết định biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Về việc áp dụng biện pháp cấp bách chống dịch, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp để địa phương thực hiện nhất quán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo nghị quyết không nên dùng các từ không rõ nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho địa phương khi áp dụng; thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc áp dụng vượt mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đời sống người dân.
Ví dụ với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định thì nên quy định và phân rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ của dịch. Đặc biệt, cần giới hạn thời gian tối đa bao lâu, nếu vượt quá mức này phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Bình luận