Sáng 24/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe đại diện các cơ quan có liên quan báo cáo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống Covid-19.
Trước đó, 474/474 đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành chủ trương điều chỉnh chương trình kỳ họp bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.
Quốc hội thống nhất sẽ quyết nghị giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong nghị quyết chung của kỳ họp thứ nhất nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng được thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch trong điều kiện hiện nay.
Trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thực tế phòng chống dịch Covid-19 trong nước đã phát sinh các tình huống bất cập, cần giải quyết ngay.
Do đó, cần phải điều chỉnh, trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng để quyết định kịp thời các biện pháp linh hoạt đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Trên cơ sở đó, Chính phủ cho rằng cần cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp chống dịch khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định trong trường hợp cần thiết để sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước, cuộc sống của người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.
Sáng 24/7, Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của UBND TP (dựa trên nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng). Nhiều tuyến đường vắng lặng khi người dân hạn chế ra ngoài. Ảnh: Đức Anh. |
Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp các nội dung cho phép Chính phủ, Thủ tướng chủ động áp dụng biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, biện pháp quy định tại Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và biện pháp cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch bệnh, thảm họa, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất được áp dụng biện pháp, ban hành quy định cần thiết chưa được luật định hoặc khác với quy định của luật để xử lý kịp thời vấn đề phát sinh; trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, đăng ký lưu hành, thử lâm sàng thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, phát triển sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, nội địa hóa trang thiết bị y tế, thuốc để bảo đảm tự chủ, tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất được sử dụng chỉ thị, nghị quyết và hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành để quy định, áp dụng và triển khai các biện pháp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, khẩn trương rà soát các luật có liên quan, trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dự án luật cần thiết khác vào các năm 2021-2022.
Chính phủ đề nghị Quốc hội ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt.
Việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch diễn biến phức tạp, phát sinh cũng được Chính phủ đề nghị với Quốc hội. Các địa phương được Trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
“Đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khoẻ và đời sống của người dân” là mục tiêu hàng đầu được Chính phủ nhấn mạnh. Song song với đó, cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh, lao động.
Chính phủ, Thủ tướng được chủ động thông qua nghị quyết, quyết định
Chủ trì phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý “đây là trình tự theo thể thức rất đặc biệt nên chúng ta cũng cần phải có cách thức rất đặc biệt”.
Sau khi nghe đại biểu cho ý kiến đối với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội liên quan đến các giải pháp này, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với phạm vi điều chỉnh trong khuôn khổ công tác phòng, chống dịch Covid-19, xác định thời hạn áp dụng cụ thể tới hết năm 2022.
Đối với nội dung phòng, chống dịch mà Chính phủ đề xuất đã được luật đã quy định, Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng toàn quyền quyết định.
Nếu luật chưa quy định, Chính phủ, Thủ tướng chủ động thực hiện thông qua nghị quyết, quyết định, báo cáo Quốc hội sau. Nếu nội dung khác quy định của luật thì Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo tờ trình của Chính phủ, cơ quan này sẽ báo cáo Quốc hội việc triển khai và kết quả thực hiện biện pháp trong nghị quyết này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Trường hợp có vấn đề phát sinh, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian Quốc hội chưa họp.
Chiều 24/7, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên.
Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, châu Âu. Tại Việt Nam, dịch đã lan ra 59/63 tỉnh, thành phố, đặc biệt tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam.
Tính đến sáng 24/7, Việt Nam có tổng số 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27/4 đến nay là 83.242 ca, trong đó 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Hà Nội cũng vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng bắt đầu từ 6h ngày 24/7, thời gian kéo dài 15 ngày.
Bình luận