Nội dung này được đề cập trong Nghị quyết số 127 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 trực về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Nghị quyết vừa được Chính phủ ban hành.
Dự báo dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Không cát cứ, làm khó doanh nghiệp
Chính phủ lưu ý địa phương từng bước mở cửa nền kinh tế phù hợp với diễn biến dịch bệnh và độ bao phủ vaccine; phấn đấu thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi có đủ điều kiện, bảo đảm an toàn từ tháng 10.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa trong chỉ đạo, điều hành, không cát cứ, tách biệt, không áp dụng một cách cực đoan các biện pháp phòng, chống dịch. Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra của năm 2021.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Ảnh: VGP. |
Đặc biệt, Chính phủ quán triệt các địa phương không ban hành quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của Trung ương, gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, địa phương cần phối hợp trong việc tổ chức việc di chuyển của người dân, người lao động bảo đảm trật tự, an toàn, an dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại địa phương làm việc.
Với việc đến trường của học sinh, Chính phủ yêu cầu tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn từ tháng 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Thanh tra việc mua sắm thiết bị chống dịch
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan thanh tra, lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tinh thần được Chính phủ quán triệt là không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh chiến lược tiêm vaccine cho người lớn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học; chủ động xây dựng chiến lược cung ứng và sản xuất thuốc điều trị Covid-19.
Chính phủ chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bộ Y tế được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra không để lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến hiệu quả chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Trước mắt, Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề giá xét nghiệm, kit xét nghiệm Covid-19 được dư luận quan tâm thời gian qua, báo cáo Thủ tướng và tiếp tục thông tin kịp thời đến dư luận, bảo đảm công khai, minh bạch.
Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15/10.
Để dần mở cửa, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vaccine và điều kiện tiêm chủng vaccine; báo cáo Thủ tướng trong tháng 10, tạo điều kiện khẩn trương khôi phục thị trường du lịch sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh.
Rà soát quy định quản lý tài chính với hoạt động gây quỹ từ thiện
Cũng trong nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát quy định về quản lý tài chính đối với hoạt động vận động gây quỹ từ thiện. Từ đó, kịp thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch, giải quyết các vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Việc này phải được thực hiện và báo cáo đề xuất Thủ tướng trước ngày 15/10.
Cùng với đó, Chính phủ yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64 về vận động; tiếp nhận; phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai; hỏa hoạn; sự cố nghiêm trọng; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để Chính phủ xem xét, quyết định.