Việc ông Trần Mẫn Nhĩ bất ngờ được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Trùng Khánh là diễn biến mới nhất trong hàng loạt cuộc sắp xếp nhân sự cấp cao ở các tỉnh thành Trung Quốc trong 2 năm trở lại đây. Ông Trần, 57 tuổi, từng là cấp dưới của Chủ tịch Tập Cận Bình khi ông Tập còn là lãnh đạo ở tỉnh Chiết Giang.
Từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất 21 bí thư đảng bộ ở các địa cấp tỉnh trên khắp Trung Quốc được luân chuyển. Trung Quốc có tất cả 23 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương và 5 khu tự trị, bí thư đảng ủy là người nắm quyền cao nhất ở những nơi này. Chính quyền cũng bổ nhiệm mới 27 thị trưởng/tỉnh trưởng, người nắm quyền thứ hai sau bí thư. Chỉ riêng tháng 4 đã có 10 vị trí lãnh đạo địa phương được bổ nhiệm mới.
Ông Tập Cận Bình được đánh giá là lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Ảnh: AFP. |
Ảnh hưởng tại các địa phương lớn
Trước vụ bổ nhiệm ông Trần ở Trùng Khánh, nhiều quan chức gần gũi ông Tập đã được phân giữ chức vụ quan trọng ở 4 thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh lớn của Trung Quốc.
South China Morning Post cho biết hồi tháng 5, thị trưởng Bắc Kinh Sái Kỳ được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy. Ông Sái từng làm việc cùng ông Tập nhiều năm ở 2 tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến. Trước đó, ông Sái giữ chức thị trưởng Bắc Kinh từ tháng 1.
Được bổ nhiệm cùng ngày với ông Sái hồi tháng 1 là Thị trưởng Thượng Hải Ưng Dũng. Ông Ưng, một quan chức từ Chiết Giang, được thuyên chuyển đến Thượng Hải sau khi ông Tập trở thành bí thư thành ủy Thượng Hải.
Bí thư thành ủy Thượng Hải Hàn Chính, người đã giữ vị trí này từ năm 2012, được xem là người thuộc "Thượng Hải bang", nhóm các quan chức thân tín cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân.
Để tạo đột phá cho điểm xuất phát mới, chúng ta phải tuyệt đối đảm bảo sự lãnh đạo trung tâm của đảng với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa
Tại Thiên Tân, Bí thư thành ủy Lý Hồng Trung được bổ nhiệm vào vị trí này vào tháng 9/2016. Ông Lý từng viết bài ca ngợi những bài báo của ông Tập trên mục Chi Giang Tân Ngữ trên Chiết Giang Nhật báo và gọi đó là "một chương rực rỡ" của chủ nghĩa Marx.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Lý càng cố ca ngợi ông Tập, điều đó càng chứng tỏ ông ta không phải người thân tín của chủ tịch Trung Quốc.
Tại Sơn Đông, tỉnh có GDP cao thứ ba Trung Quốc, ông Cung Chính được bổ nhiệm là tỉnh trưởng hồi tháng 4. Ông Cung làm việc ở Chiết Giang từ năm 2008 - 2015, sau khi ông Tập đã rời tỉnh này.
Tỉnh Chiết Giang là nơi Tập giữ chức bí thư tỉnh ủy từ năm 2002 - 2007, nhiều người được ông Tập tin tưởng là cấp dưới của ông trong thời gian này. Ảnh: AFP. |
Trong một diễn biến khác, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Hồ Xuân Hoa vừa thể hiện sự trung thành khi 6 lần đề cập tên ông Tập trong bài phát biểu dài 100 phút ở đại hội đảng bộ cấp tỉnh hồi tháng 5. Ông gọi ông Tập là "hạt nhân" của đảng và nhấn mạnh tầm quan trọng các ý kiến của ông Tập. Quảng Đông là tỉnh có dân số lẫn GDP lớn nhất Trung Quốc.
Đại hội mùa thu
Tại Trung Quốc, các bí thư đảng ủy, thị trưởng hoặc tỉnh trưởng sẽ nắm quyền trong 5 năm, trung bình mỗi năm có khoảng một chục người nghỉ hưu hoặc bị thuyên chuyển. Con số này thường tăng lên vào giữa nhiệm kỳ 10 năm của người lãnh đạo quốc gia, dấu hiệu của một cuộc sắp xếp nhân sự quy mô lớn ở khắp các cấp.
Ngay cả theo cách tính toán đó, quy mô đợt điều chỉnh nhân sự ở Trung Quốc lần này vẫn khá lớn. The Econimist chỉ ra từ tháng 1/2006 - 5/2007, giai đoạn tương tự trong thời gian lãnh đạo của ông Hồ Cẩm Đào, có 12 bí thư thành ủy/tỉnh ủy và 11 thị trưởng/tỉnh trưởng bị thay thế, bằng một nửa so với số người bị thay trong 16 tháng qua.
Ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào trong kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 3/2013, thời điểm ông Tập lên nắm quyền. Ảnh: AFP. |
21 trong số những thay đổi thời gian qua do yêu cầu về độ tuổi, thời gian nhiệm kỳ hoặc liên quan đến tội phạm.Đến mùa thu này, khi Đại hội đại biểu Toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc ở Bắc Kinh, phần lớn các tỉnh thành đều đã trải qua sự chuyển đổi nhân sự. Đại hội sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc với khoảng 370 thành viên. Gần như bí thư đảng ủy và người đứng đầu chính quyền các địa cấp tỉnh sẽ trở thành thành viên Ban chấp hành.
"Những người vừa được bổ nhiệm tại các địa phương sẽ chọn ra người phù hợp tham dự đại hội, nói những điều đúng và bỏ lá phiếu đúng".
The Economist
Người ta gọi nhóm các quan chức từng làm việc ở Chiết Giang khi ông Tập giữ chức bí thư tỉnh ủy tại đây và hiện làm lãnh đạo các tỉnh, thành và trong chính phủ Trung Quốc là "Chi Giang Tân Quân". "Chi Giang Tân Quân" hiện có bí thư thành ủy Bắc Kinh, Trùng Khánh, bí thư tỉnh ủy Cát Lâm, Giang Tô, Quý Châu, tỉnh trưởng Giang Tây, Sơn Tây, thị trưởng Thượng Hải...
Các lãnh đạo địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho đại hội, bao gồm chọn lựa đại biểu tham dự, thiết kế chương trình nghị sự. Đại hội sẽ thảo luận về báo cáo của Chủ tịch Tập và tiếp nhận các chỉnh sửa của ông đối với cương lĩnh đảng.
Những sự thay đổi thời gian quan được cho là hoạt động chuẩn bị nhân sự cho kỳ đại hội đảng sẽ diễn ra vào cuối năm nay ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
"Những người vừa được bổ nhiệm tại các địa phương sẽ chọn ra người phù hợp tham dự đại hội, nói những điều đúng và bỏ lá phiếu đúng", Economist nhận định.
Không phải lúc nào người được ông Tập chọn cất nhắc cũng là đồng minh của ông, như trường hợp nữ chủ tịch mới của Khu Tự trị Nội Mông, bà Bố Tiểu Lai. Bà được cho là đến từ một gia đình quyền lực với bố và ông đều là người đứng đầu chính quyền Nội Mông.
Các quan chức chính phủ được trọng dụng
Về mặt kinh tế, 2 người được Chủ tịch Tập tin tưởng nhất là Lưu Hạc và Thư Quốc Tăng. Ông Lưu là Chánh văn phòng Ban điều hành các vấn đề Kinh tế và Tài chính của Trung Quốc, cơ quan do chính ông Tập đứng đầu. Nhà kỹ trị 64 tuổi được ông Tập mô tả là người "rất quan trọng với tôi". Ông tốt nghiệp ngành hành chính công tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy (Đại học Harvard) và có kinh nghiệm điều hành kinh tế trong nhiều năm. Trong khi đó, Thư Quốc Tăng, một thành viên ban điều hành kinh tế, được thuyên chuyển từ Chiết Giang lên vị trí trong chính phủ từ năm 2014.
Trong khối cơ quan đảng, Chánh văn phòng trung ương đảng Lật Chiến Thư là người quyền lực chỉ sau Trưởng ban Thanh tra Kỷ luật Vương Kỳ Sơn. Ông Lật gần như chắc chắn sẽ ở lại trong Bộ Chính trị vào mùa thu này, dù cho nhiều vị trí sẽ bị xáo trộn. Ông đồng thời là Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia, cơ quan do ông Tập thành lập và trực tiếp điều hành. Người ta cũng thường xuyên thấy ông tháp tùng chủ tịch Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài.