Năm học 2024-2025, chương trình “Chin-Su Một triệu bữa cơm có thịt” phối hợp quỹ “Trò nghèo vùng cao” tiếp tục năm thứ hai đồng hành cùng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, chương trình dự kiến thực hiện hơn 1 triệu bữa cơm có thịt cho học sinh tại gần 100 điểm trường ở 9 tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên.
“Chin-Su Một triệu bữa cơm có thịt” hướng đến mục tiêu hỗ trợ dinh dưỡng các em ở khu vực còn nhiều khó khăn. Không chỉ mang đến bữa ăn ấm áp yêu thương, giúp các em đến trường đều đặn hơn, mà chương trình còn hướng đến phát triển toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ cho học sinh trên hành trình đi tìm con chữ.
Khảo sát mới đây do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố cho thấy chỉ có 26,2% người tham gia khảo sát đủ điều kiện ăn thịt, cá trong bữa ăn hàng ngày. Đây là con số “khó tin” khi Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số hạnh phúc đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo tổng điều tra của Viện Dinh Dưỡng năm 2020 cũng chỉ ra dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần nhóm trẻ là người Kinh. Cùng với đó, tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng gấp 2,5 lần (21%) trẻ em là người Kinh (8,5%).
Những con số trên cho thấy việc chăm sóc dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ vùng cao, đồng thời cần có sự góp sức của doanh nghiệp và cộng đồng.
Hành trình của “Triệu bữa cơm có thịt”
“Trò nghèo vùng cao” là quỹ xã hội từ thiện, tiền thân là chương trình “Cơm có thịt”. Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, với mục đích hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao có bữa ăn nhiều dinh dưỡng hơn tại lớp, thêm quần áo ấm, đồ dùng học tập, sách truyện, thuốc chữa bệnh, xây dựng trường, ký túc xá, bếp ăn, giếng… và trợ giúp cần thiết khác.
Các em được hỗ trợ “cơm có thịt” là học sinh nghèo, nhà gần trường (dưới 4 km) chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ ăn trưa của nhà nước. Các con phải đi bộ mất nhiều cây số đường núi không kể trời nắng hay mưa để về nhà, nên tỷ lệ quay lại trường học buổi chiều rất ít.
Con đường đến trường của các trò vùng cao thường phải đi bộ mất nhiều cây số. Những bữa cơm có thịt tại trường không chỉ mang đến niềm vui tiếng cười, mà còn là nguồn động lực để các bé siêng năng đến trường. |
Bữa cơm có thịt nhằm động viên các em ở lại trường để chiều tiếp tục lên lớp, kiến thức được tiếp thu trọn vẹn hơn. Nhờ dinh dưỡng đủ đầy, các con có thêm giây phút gắn bó, chia sẻ khó khăn bằng những nụ cười hiền hòa bên căn bếp nhỏ ấm áp tình thân.
Ngoài công việc giảng dạy, thầy cô tại các điểm trường vùng cao còn chăm lo bữa ăn hàng ngày cho các em. |
Không dừng lại ở sự quan tâm, hỗ trợ dành cho các em nhỏ, “Một triệu bữa cơm có thịt” cũng mang đến đóng góp ý nghĩa về mặt tinh thần, động viên và tiếp lửa nhiệt huyết cho thầy cô giáo đang công tác tại địa bàn xa xôi, khó khăn của đất nước.
“Chúng tôi như được tiếp thêm lửa khi có chương trình ‘Chin-Su Một triệu bữa cơm có thịt’ đồng hành. Nhờ bữa cơm có thịt, các trò siêng năng đến trường, lớp học đầy đủ hơn. Đây là niềm hạnh phúc to lớn nhất của thầy cô”, thầy Quỳnh - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Tân Tiến, Bản Pe - chia sẻ.
Hoạt động “Chảo có thịt đặc biệt” do Chin-Su phối hợp quỹ “Trò nghèo vùng cao” và Hội đầu bếp Việt Nam triển khai tại trường PTDTBT Tiểu học Tân Tiến, thôn Bản Pe, xã Yên Lỗ, thị trấn Bình Gia, Lạng Sơn. |
Chung tay tiếp sức cho những mầm non tương lai
Dự án “Một triệu bữa cơm có thịt” là khởi đầu cho hành trình vì cộng đồng dài hơi. Một triệu bữa cơm chỉ là con số ban đầu, xa hơn, Chin-Su mong muốn mang tới hàng triệu nụ cười, ươm mầm cho triệu ước mơ của các em nhỏ. Qua những suất cơm có thịt, thương hiệu hy vọng tiếp thêm động lực để các em vững bước trên hành trình thắp sáng ước mơ.
Đại diện nhãn hàng Chin-Su và quỹ “Trò nghèo vùng cao” trao bảng tượng trưng “Một triệu bữa cơm có thịt” với tổng kinh phí 10 tỷ đồng năm học 2024-2025 tại trường PTDTBT & Tiểu học Tân Tiến. |
Bà Đinh Hồng Vân - Giám đốc Marketing cấp cao, đại diện Chin-Su - cho biết qua chương trình “Một triệu bữa cơm có thịt”, thương hiệu và quỹ “Trò nghèo vùng cao” không chỉ mang đến những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, mà còn mong muốn trao gửi niềm tin, tiếp thêm động lực để các em nhỏ tiến bước trên con đường học tập, xây dựng tương lai.
“Chúng tôi tin rằng mỗi bữa cơm không chỉ là sự no đủ, mà còn lan tỏa sự ấm áp, thắp lên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng trong lòng các em”, bà chia sẻ.
“Chin-Su Một triệu bữa cơm có thịt” tạo ra hoạt động ý nghĩa, ghi dấu ấn hành trình “Tiếp sức học trò - Tiếp lửa thầy cô” trong ngày 20/11. |
Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó chủ tịch kiêm Giám đốc quỹ "Trò nghèo vùng cao” - cho biết trong hơn thập kỷ qua, quỹ nhận được sự ủng hộ to lớn từ cộng đồng.
“Chúng tôi biết ơn những tấm lòng nhân ái đã trao gửi đến học sinh, trở thành nguồn động viên to lớn giúp các em vững bước trên hành trình chinh phục tri thức. Sự đồng hành của Chin-Su trong năm thứ hai càng khẳng định giá trị của sự chia sẻ, đánh dấu cột mốc bền chặt về sự chung tay của doanh nghiệp Việt vì cộng đồng, giúp chúng tôi tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của em nhỏ vùng cao”, ông khẳng định.
Về Chin-Su: Chính thức có mặt tại Việt Nam từ những năm 2002, trong hơn 20 năm qua, thương hiệu luôn giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành gia vị nhờ chú trọng vào năng lực nghiên cứu và phát triển, mang lại nhiều sản phẩm cao cấp tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, Chin-Su còn tích cực triển khai hoạt động trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Về quỹ “Trò nghèo vùng cao”: Đây là quỹ được Bộ Nội vụ cấp phép tại quyết định số 142/QĐ-BNV ngày 25/02/2014. Hiện “Cơm có thịt” đóng vai trò cốt lõi, là mục tiêu mà người làm chương trình mong muốn mang đến cho học sinh nghèo vùng cao. Đó là bữa ăn đủ dinh dưỡng, manh áo ấm, ngôi trường đủ đầy...
Hơn 10 năm qua, “Cơm có thịt” là hành trình đi tìm con chữ, với mục tiêu giản đơn “ít nhưng đều đặn”. Bởi đó là sự đóng góp của rất nhiều tấm lòng nhân ái, từ những đồng tiền lẻ tiết kiệm của em bé vùng xuôi, chút lương hưu của ông, bà đến phần tiền tích góp của bệnh nhân đang điều trị, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước. Tất cả luôn chia sẻ và đồng hành, hướng về trò nghèo vùng cao.