Có bao giờ bạn tự hỏi: Mình có đang sống trong một thế giới an toàn?
Không giống với người lớn, trẻ em với nhận thức chưa phát triển toàn diện, dễ gặp phải nhiều nguy cơ mà nếu không được chuẩn bị kĩ càng trước sẽ khó lòng tránh khỏi.
Nhận diện những mối nguy với trẻ em
Với nhóm nguy cơ thiên tai bao gồm lũ lụt, sạt lở đất, sét, rét hại, nắng nóng, động đất… trẻ em có thể gặp phải sự cố như nước cuốn trôi, mắc kẹt, mất nước, lạnh cóng chân tay…
Trong môi trường sống ở chung cư, trẻ em với bản tính hiếu động chưa ý thức được các mối nguy hiểm như kẹt thang máy, kẹp chân tay tại thang cuốn, lọt qua ban công cửa sổ và rơi xuống từ tầng cao, hỏa hoạn… dẫn đến nhiều thương vong.
Khi đi du lịch cũng có khả năng xảy ra những tình huống bất ngờ vì thiếu hiểu biết về địa hình văn hoá tại nơi đến, bị lạc, bị các sinh vật tự nhiên tấn công, mất an toàn khi trên các phương tiện giao thông, bị người lạ tiếp cận…
Ở nhà cũng có thể có nhiều trường hợp đùa nghịch dẫn đến thương tích như ngã cầu thang, dùng than để sưởi ấm, nghịch ổ điện, bật lửa, ngộ độc thức ăn quá hạn hoặc nấu không chín…
Trẻ em cũng dễ gặp phải các căn bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, ho gà, thuỷ đậu… và gần đây nhất không thể không nhắc đến Covid-19. Những căn bệnh này đôi khi lại được khởi nguồn từ những người thân trong gia đình, bạn bè cùng lớp, các bạn nhỏ trong cùng khu vực sinh sống mà trẻ em ít có sự phòng tránh.
Trong thời đại công nghệ số, trẻ em sớm được tiếp xúc với Internet và được khám phá những lợi thế tuyệt vời từ không gian mạng. Nhưng cũng chính vì thế mà trẻ dễ bị dụ dỗ vào các trò lừa đảo, những thử thách nguy hiểm và tiêu cực từ chính mạng Internet.
Khi trẻ em được nghỉ học và có nhiều thời gian cho các hoạt động ngoài trời dễ xảy ra các tai nạn đuối nước hoặc mất an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, vui chơi dưới nước và các khu vực cận nước.
Ở trường học cũng có nguy cơ bị tổn thương bởi các hành vi bắt nạt và bạo lực học đường. Có nhiều hình thức bắt nạt như gây tác động về mặt thể chất, về tinh thần và cảm xúc, hoặc thậm chí là quấy rối tình dục. Trẻ em là thành phần yếu thế rất dễ bị xâm hại bởi chính người lạ lẫn người quen.
Trẻ em chính là người có thể tự bảo vệ mình
Bộ sách 15 bí kíp giúp tớ an toàn bao gồm 9 nội dung phòng tránh thiên tai, an toàn chung cư, phòng tránh tai nạn thương tích, sử dụng Internet an toàn và hiệu quả, phòng tránh bắt nạt và bạo lực học đường, phòng tránh đuối nước, phòng tránh xâm hại trẻ em.
Đây đều là những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong đời sống hiện đại, khi môi trường sống và học tập của trẻ càng ngày càng thay đổi. Mỗi ngày trung bình có 5 trẻ bị đuối nước, có hàng nghìn trẻ bị bắt nạt tại trường học, lớp học thêm, chung cư, thậm chí ở nhà hay trên mạng xã hội.
Ở từng chủ đề, nhóm tác giả bộ sách đưa rất nhiều tình huống giả định, kèm theo đó là hướng dẫn các em nhỏ nhận biết và xử lí trong nhiều trường hợp.
Ví dụ nhóm nguy cơ thiên tai thì cần xác định nơi trú ẩn, ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp, các cách chạy thoát thân khỏi sự cố, sử dụng đồ ăn thức uống phù hợp. Hay khi chuyển đến sống ở chung cư thì cần tìm hiểu kĩ khu vực không gian chung, các lối thoát hiểm, làm quen với ban quản lí chung cư và hàng xóm xung quanh.
9 tập sách do nhiều tác giả cùng nhau thực hiện, trong đó có những chuyên gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em như chuyên gia trong mảng giáo dục giới tính và chống xâm hại, chuyên gia về đào tạo kĩ năng an toàn trên mạng và có cả những tác giả nhí chia sẻ kinh nghiệm cho chính các bạn nhỏ.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách Cẩm nang an toàn du lịch, do chưa có nhiều kinh nghiệm, hai bé Khải Minh và Khải Nguyên được mẹ hỗ trợ bằng cách đưa ra câu trả lời theo từng câu hỏi nhỏ, để từ đó dễ hình dung và có giải pháp cho vấn đề cấp thiết.
Chính nhờ được viết bởi hai bạn nhỏ mà cuốn sách có được những góc nhìn và cách tiếp cận rất chân thực, gần gũi với trẻ em. Điều đó mang lại cảm giác giống một cuộc trò chuyện giữa những người bạn và khiến độc giả thấy dễ chịu hơn khi đọc cuốn sách này.
Bên cạnh phần thông tin bổ ích, mỗi cuốn sách đều có thêm phần tranh minh họa sinh động, giúp trẻ em dễ dàng theo dõi và hình dung được các tình huống có thể xảy ra trong thực tế.
Xuyên suốt cả bộ sách, một thông điệp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là "người có thể thường trực bảo vệ em chính là em". Mỗi bạn nhỏ có thể tự bảo vệ bản thân cho dù ở một mình nếu như nắm được chắc các kĩ năng cần thiết.
15 bí kíp giúp tớ an toàn nên trở thành bộ cẩm nang trong mỗi gia đình để không chỉ trẻ em mà các bậc cha mẹ cũng có thể dễ dàng học hỏi và hỗ trợ các em trên hành trình trưởng thành và tự bảo vệ chính mình.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.
'Bí kíp' giúp trẻ sử dụng Internet hiệu quả
“Cẩm nang sử dụng Internet an toàn và hiệu quả” trang bị cho trẻ em và phụ huynh kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp trẻ tránh những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia không gian mạng.
Cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn cho con trẻ
Đọc sách giúp trẻ phát triển tâm trí vì trẻ học cách thưởng thức những gì được nhìn thấy, nghe thấy, trải nghiệm và đưa chúng vào thực tế sau này.
Sách nuôi dạy con 'Nói sao khi trẻ không nghe lời'
Cuốn sách do hai chuyên gia người Mỹ Joanna Faber và Julie King chấp bút, đưa ra phương pháp giao tiếp trong quá trình nuôi dạy con.