Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chín bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại 8.054 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.

Đây là thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết tại hội nghị đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.

Cụ thể, ông Trương Hùng Long cho biết trong 9 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài.

Tuy nhiên, đến ngày 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 19,03%, tương đương 3.166 tỷ đồng trên tổng số 16.637 tỷ kế hoạch vốn được giao.

Xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Dù số liệu kể trên đã tăng gấp đôi so với số giải ngân hồi tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả cùng kỳ các năm 2019-2020.

Đáng chú ý, đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.

“Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định”, ông Long cho biết.

Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho rằng dù các bộ, ngành đã nỗ lực rất nhiều nhưng từ nay đến hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm đạt trên 95% là không khả thi.

9 bo,  nganh xin tra lai hon 8.000 ty dong von dau tu cong anh 1

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính). Ảnh: BTC.

Cũng tại hội nghị, ông Võ Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các bộ, ngành chậm giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài và phải trả kế hoạch vốn.

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA trong nước.

Bên cạnh đó, một số dự án ghi nhận chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do vướng mắc trong quá trình triển khai như chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng. Một số dự án thì đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay…

Cuối cùng, việc chậm giải ngân nguồn vốn nói trên cũng do công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Ngừng nhiều dự án vì dịch Covid-19

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai các dự án đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài.

Trong đó, hầu hết ý kiến cho rằng đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ triển khai các dự án.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ có 15 dự án đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó 6 dự án chuẩn bị đầu tư nhưng các công tác liên quan như thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, đấu thầu xây lắp… đều đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

9 bo,  nganh xin tra lai hon 8.000 ty dong von dau tu cong anh 2

Nhiều dự án đầu tư công bị ngưng chệ khi các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: T.L.

Tương tự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã giải ngân 45,5% vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài. Nguyên nhân do nhiều địa phương thời gian qua phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Hiện Bộ này đã gửi công văn tới các UBND các tỉnh xin cách ly tại công trường nhưng chỉ một số địa phương đồng ý, còn lại đều phải dừng thi công. Nhiều dự án thủy lợi tới nay được phép thi công lại khó triển khai vì đang mùa mưa...

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án, đại diện các bộ, ngành cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ như ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi; hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để đảm bảo đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành cũng cần tích cực chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai và giải ngân.

Ngoài ra, cần tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các bộ, ngành, địa phương khác.

Giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc vẫn thấp

Theo cơ quan quản lý, ngoài nguyên nhân dịch Covid-19, giá sắt, thép tăng đột biến từ đầu năm cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công.

Hưng Yên sắp có khu công nghiệp 105 triệu USD

Khu công nghiệp số 5 tại tỉnh Hưng Yên có tổng vốn đầu tư 2.385 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ làm chủ đầu tư.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm