Ngày 30/9 khi chở khách từ Buôn Mê Thuột ra Hà Nội, máy bay số hiệu VN-A650 hạ cánh lúc 19h22, đội ngũ kỹ thuật của hãng hàng không Vietjet phát hiện phần mũi máy bay bị móp khá lớn, thủng chóp radar.
Nguyên nhân được xác định là do máy bay va phải chim trời. Sự cố này đã khiến hãng phải dừng khai thác máy bay để kiểm tra kỹ thuật động cơ, thay thế chóp bị méo.
Theo đại diện Vietjet, đây không phải là lần đầu tiên máy bay của hãng bị chim trời va vào. Khi đang di chuyển với tốc độ cao, việc va vào một số loài chim lớn sẽ khiến máy bay bị hư hỏng nặng.
Hãng hàng không này cũng cho biết, chim trời bay về nhiều nhất trong khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho hay, năm 2014, các sân bay ghi nhận hơn 30 sự cố do chim va vào máy bay, phần lớn tại khu vực Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Rạch Giá... Hầu hết máy bay phải dừng hoạt động để sửa chữa nhiều ngày.
Năm 2010, Cục Hàng không cũng thống kê được 40 vụ va đập giữa chim và tàu bay, chiếm 12% sự cố hàng không của năm.
T |
Chim đâm móp đầu tàu bay VN-A650 của hãng hàng không Vietjet. Ảnh: Bùi Chí Công. |
Ông Cao Văn Thái, Phó trưởng ban An ninh - an toàn, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cho hay, chim trời rất nguy hiểm đối với hoạt động hàng không.
Khi va chạm với máy bay, chim có thể gây móp méo vỏ, nặng hơn có thể chui vào bánh lái, động cơ, phá hủy thiết bị khi máy bay đang di chuyển với tốc độ lớn, uy hiếp an toàn.
Cục Hàng không đã có đề án mua thiết bị phát ra âm thanh xua đuổi chim, nhưng thử nghiệm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất không hiệu quả do các loài chim của Việt Nam có độ thích nghi nhanh.
Ban đầu thiết bị này đã đuổi được nhiều chim, song một vài ngày chúng không còn sợ nữa.
Hiện, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã thành lập và triển khai Hệ thống quản lý chim và động vật hoang dã tại các cảng hàng không trên khắp cả nước.
Các biện pháp được Tổng công ty áp dụng là triển khai các đội tuần tra, kiểm soát khu bay, phát quang cây cối, dọn dẹp vệ sinh khu bay, các ao hồ, mương nước.
Lập hệ thống dữ liệu về các loài chim hoạt động tại khu vực từng cảng hàng không, cũng như các vụ va chạm giữa chim với tàu bay.
Sử dụng thiết bị gây tiếng động để xua đuổi chim trước khi tàu bay cất, hạ cánh. Thiết lập hàng rào vành đai khu bay, tấm chắn các mương nước, ngăn chặn sự xâm nhập của động vật vào sân bay...
Về lâu dài, Tổng công ty có kế hoạch đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, công nghệ đuổi chim phù hợp với thực tế khai thác, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay đi, đến từng cảng hàng không.
Chim trời "tấn công" máy bay của hãng hàng không British Airways. Ảnh: B.A |
Một chuyên gia về an ninh hàng không nhận định, phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh.
Va chạm có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu các con chim là ngỗng trời, kền kền và mòng biển bị hút vào động cơ phản lực, làm gãy cánh quạt khiến động cơ ngừng hoạt động.
Mặc dù động cơ máy bay được bảo vệ bằng các lá chắn nhưng một cú lao thẳng của con chim nặng hơn 2 kg hoàn toàn có thể xé rách lớp bảo vệ này. Ngoài ra, nhiều khi chim lao vào cánh hoặc càng máy bay có thể gây ra các “báo động giả” khiến phi công xử lý tình huống sai.
Cục Hàng không đã yêu cầu tất cả các Cảng hàng không, sân bay phải lập sổ tay theo dõi động vật có thể ảnh hưởng tới hoạt động bay. Việc này để xác định các loại động vật hoang dã nào thường xuyên xuất hiện, tần suất, số lượng, luồng di chuyển theo mùa...
Ngày 1/10, Cục Hàng không đã ra văn bản chỉ đạo các cảng hàng không tăng cường đuổi chim tại các sân bay, đặc biệt vào các mùa chim di cư.