Chiều 27/8, ông Phan Văn Rí, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện U Minh (Cà Mau), cho biết, Doanh nghiệp tư nhân Phạm Trạng ở khóm 3, thị trấn U Minh vừa nộp dứt điểm tiền nợ BHXH sau nhiều lần bị cơ quan chức năng nhắc nhở.
Trước đó, BHXH U Minh có văn bản gửi công an huyện này để nhờ can thiệp. Theo BHXH, quá trình đăng ký 3 loại bảo hiểm của Phạm Trạng từ năm 2014 đến đầu năm 2015, doanh nghiệp còn nợ trên 40 triệu đồng.
BHXH huyện U Minh từng nhờ cơ quan công an can thiệp để thu nợ doanh nghiệp. Ảnh: Việt Tường. |
Trao đổi với phóng viên, chủ doanh nghiệp Phạm Trạng, ông Phạm Đại Ngãi (ngụ phường 1, TP Cà Mau), xác nhận, đơn vị từng bị BHXH đòi nợ. Theo ông Ngãi, đây là số tiền ông bị buộc nộp "oan", vì công nhân liên quan đã được doanh nghiệp thông báo ngưng đóng các loại bảo hiểm nhưng vẫn bị tính.
"Một số hồ sơ mời thầu yêu cầu phải có công nhân đóng bảo hiểm đầy đủ. Sau khi trúng thầu, 3 tháng sau tôi cắt tên những người này ra. Tôi có tìm hiểu, mình làm vậy là không đúng, nhưng doanh nghiệp không sử dụng lao động này nữa thì đóng bảo hiểm làm gì", ông Ngãi nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số doanh nghiệp xây dựng ở Sóc Trăng và Cần Thơ cũng không ít lần né đóng bảo hiểm xã hội sau khi đấu thầu các công trình. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gửi thông tin không đóng bảo hiểm tiếp cho công nhân thì BHXH cắt tên theo danh sách của đơn vị sử dụng lao động chuyển đến.“Ở Sóc Trăng không còn trường hợp chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phải có danh sách lao động tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm mới được đấu thầu. Làm thế này sẽ hạn chế khả năng tham gia đấu thầu của doanh nghiệp, và đặc biệt là công nhân xây dựng, không phải người nào cũng gắn bó lâu dài với một công ty”, giám đốc một doanh nghiệp tại Sóc Trăng chia sẻ.