Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc ngày làm việc đầu tiên của cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, cả hai đều bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu đạt được nền hòa bình và tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Kim sẽ ký một thỏa thuận chung vào chiều ngày 28/2. Sau đó, tổng thống Mỹ sẽ tổ chức một buổi họp báo.
Theo Nikkei, Dù hai nhà lãnh đạo thể hiện sự lạc quan, rất nhiều chuyên gia vẫn còn hoài nghi về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh có thể dẫn đến đột phá đáng kể cho quá trình "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", điều ông Trump và ông Kim từng hứa ở lần gặp gỡ đầu tiên tại Singapore.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tiến tới bắt tay nhau tại Hà Nội, 261 ngày sau lần bắt tay đầu tiên ở Singapore. Ảnh: AP. |
Vượt qua những thử thách
Tổng thống Trump vẫn háo hức thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân. Khi được hỏi tại bữa tối hôm qua về việc liệu tổng thống có rút lại lời hứa về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay không, ông Trump chỉ trả lời ngắn gọn: "Không".
Ngay khi ông Trump và ông Kim đến khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội, họ trao nhau cái bắt tay ở trước những lá cờ Mỹ và Triều Tiên. Tổng thống Mỹ sau đó nói với nhà lãnh đạo Triều Tiên rằng ông hy vọng mọi thứ "sẽ được giải quyết", và nói thêm rằng "mối quan hệ của chúng ta là một mối quan hệ rất đặc biệt".
Ông Kim cho biết trong quãng thời gian 261 ngày kể từ lần gặp gỡ đầu tiên ở Singapore, "chúng ta đã vượt qua sự không tin tưởng, hiểu lầm và những thói quen thù địch cũ".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết: "Giai đoạn đó đã thử thách sự quan tâm của chúng ta (đối với đất nước), những nỗ lực mà chúng ta đã bỏ ra và lòng kiên nhẫn của chúng ta, (thử thách) hơn bất cứ lúc nào khác. Bây giờ chúng ta đang gặp nhau ở đây ngày hôm nay, tôi chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp và tôi sẽ cố gắng hết sức để làm điều đó xảy ra".
Một số chuyên gia cho rằng ông Trump muốn được thấy là đã đạt được một thành công nhất định từ cuộc gặp thượng đỉnh lần này, và có thể đề xuất việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên để đổi lấy việc ông Kim hứa sẽ phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon, cùng với đó là tiếp tục dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Hai nhà lãnh đạo thân mật trong cuộc gặp riêng kéo dài 20 phút. Ảnh: AP. |
Khi một phóng viên hỏi về việc đưa ra tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, tổng thống Mỹ không phủ nhận khả năng đó và cho nói: "Chờ xem sao".
Ông Trump cũng đưa ra một tương lai tích cực cho quốc gia vốn đang biệt lập với thế giới. "Tôi nghĩ đất nước của ông có tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn, không tin nổi và không có giới hạn. Tôi nghĩ các bạn sẽ có một tương lai tuyệt vời... Tôi mong chờ nhìn thấy điều đó xảy ra, và giúp điều đó xảy ra", tổng thống Mỹ nói với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo gặp riêng trong vòng 20 phút, sau đó là một bữa tối chung với các phụ tá kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney tháp tùng ông Trump, trong khi Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho ở bên cạnh ông Kim trong bữa tối này.
Những cảm xúc lẫn lộn
Trước cuộc gặp ở Singapore, ông Kim và ông Trump đã từng công kích lẫn nhau về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng bây giờ ông Trump cho biết ông đang có "một tình bạn rất, rất đẹp" với ông Kim.
Trước khi gặp ông Kim ở Hà Nội, ông Trump đã đăng dòng tweet: "Việt Nam thuộc số ít những nơi đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Triều Tiên cũng có thể như thế, và rất nhanh chóng, nếu nước này tiến hành phi hạt nhân hóa. Triển vọng là TUYỆT VỜI, một cơ hội rất lớn, gần như sẽ không có cơ hội như vậy trong lịch sử, cho ông bạn của tôi Kim Jong Un. Chúng ta sẽ biết sớm thôi, rất thú vị!"
Bầu không khí vui vẻ và thân thiện trong bữa ăn tối chung giữa ông Kim và ông Trump cùng các phụ tá. Ảnh: Reuters. |
Mặc dù vậy, các cuộc đàm phán hạt nhân đã rơi vào bế tắc kể từ tháng 6 năm ngoái do hai bên gặp khó khăn trong việc đồng thuận về nhiều vấn đề, thậm chí là từ định nghĩa phi hạt nhân hóa, theo lời của các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng nếu ông Trump tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, điều này chỉ làm chậm lại quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, trong khi kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục trở thành mối đe dọa cho các quốc gia lân cận.
Cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội được đón nhận với những cảm xúc lẫn lộn ở khu vực, pha trộn giữa hy vọng và hoài nghi. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhiệt tình ủng hộ chính sách ngoại giao cá nhân giữa ông Trump và ông Kim, trong khi Tokyo lo lắng về khả năng ông Trump có thể vì một thỏa thuận nhanh chóng mà hy sinh lợi ích của những đối tác ở khu vực của Washington.
Lịch trình thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 2
- 9h00: TT Trump và Chủ tịch Kim Jong Un gặp một - một tại Metropole
9h45: Phái đoàn hai bên gặp song phương mở rộng 11h55: TT Trump ăn trưa làm việc với Chủ tịch Kim 14h05: TT Trump tham dự lễ ký kết thỏa thuận chung với Chủ tịch Kim 15h50: Tổng thống tham dự họp báo