Bà Nguyễn Thế Thanh từng là Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM và từng giữ vị trí Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM).
Không chỉ là một nhà báo có uy tín, bà Thế Thanh đã có những đóng góp cho đời sống văn hóa, nghệ thuật của TP.HCM trong đó có lĩnh vực điện ảnh. Bà từng là ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại băng hình nhập.
- Theo dõi sự việc liên quan tới bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" của Trung Quốc trong những ngày qua, bà đánh giá thế nào về phản ứng của công chúng và cũng như Cục Điện ảnh sau đó?
- Khi theo dõi những thông tin liên quan đến bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ, tôi cảm thấy mừng khi công chúng và báo chí có phản ứng tích cực, kịp thời và khá tinh tường về một tác phẩm điện ảnh mang thông điệp về chủ quyền trên Biển Đông.
Đây là khu vực mà Trung Quốc luôn khẳng định từ nhiều năm qua, một cách bất chấp luật pháp quốc tế, rằng hơn 80% diện tích là “của họ”. Điều làm tôi bất ngờ lại chính là nội dung phản hồi dư luận từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bà Nguyễn Thế Thanh là nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch TP.HCM), cũng như có 10 năm nắm giữ chức Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM. |
- Tại sao bà bất ngờ với câu trả lời từ phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch?
Tên phim và bối cảnh phim xuyên suốt là Biển Đỏ, nhưng mấy chục giây cuối trong phim bối cảnh lại chuyển sang vùng biển Nam Sa - tức cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Và chính tại vùng biển này, ở cuối phim có đoạn loa từ tàu Trung Quốc phát ra hướng về phía các tàu không phải của Trung Quốc: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
Một khi Trung Quốc không có chủ quyền thì họ không có quyền ngăn cản, xua đuổi các tàu thuyền qua lại bình thường trên vùng biển như lời lẽ của tàu hải quân Trung Quốc trong phim. Khi nhận định chi tiết này trong phim là điều bình thường, không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền biển đảo thì ít nhất đó cũng là một sơ hở về mặt pháp lý, khi mà cuộc đấu tranh về chủ quyền trên Biển Đông vẫn đang diễn ra khá căng thẳng.
Câu trả lời báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo tôi còn thể hiện sự thiếu nhạy cảm khi cho rằng công chúng và báo chí gán vấn đề chủ quyền biển đảo cho bộ phim là hoàn toàn suy diễn không có căn cứ. Trong khi đó, một bài viết trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tỏ ý ủng hộ mạnh mẽ Điệp vụ biển Đỏ với nhiều lời khen ngợi.
Một đoạn trong bài phân tích phim đã viết: “Đoạn cuối phim có cảnh tàu tuần tra hải quân Trung Quốc xuất hiện trên vùng biển Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi Trung Quốc), trục xuất những tàu nước ngoài chưa được Trung Quốc cho phép đi lại trên khu vực quần đảo Nam Sa và các đảo đá liên quan. Nam Sa chính là tên mà Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thế Thanh, một bộ phim như Điệp vụ Biển Đỏ lẽ ra không được ph ép trình chiếu tại Việt Nam. Ảnh: Bona Film Group. |
Bằng tất cả sự chia sẻ của người từng có 8 năm làm quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy rằng: sai sót, thậm chí sai phạm trong công việc, là điều khó tránh. Nhưng một khi có sai phạm thì thái độ cần thiết nhất là thành tâm hối lỗi, thay vì cứ lấp liếm, quanh co.
Đó mới là điều đáng suy nghĩ nếu chúng ta không muốn những bộ phim như Điệp vụ Biển Đỏ còn tiếp tục lọt khỏi vòng kiểm soát tưởng là chặt chẽ, để rồi gây ra bức xúc, dồn nén trong công chúng.
Một bộ phim cổ súy cho sự thị uy vũ lực đầy hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế và lợi ích của các quốc gia như thể hiện trong Điệp vụ Biển Đỏ, rõ ràng không nên trình chiếu tại Việt Nam.
Những tác phẩm như thế khi được phép chính thức trình chiếu ở Việt Nam là làm tổn thương đến nhận thức và tình cảm về chủ quyền quốc gia, về lòng tự tôn dân tộc của đại bộ phận người Việt Nam có trách nhiệm với đất nước.
Bà Nguyễn Thế Thanh đồng thời cho rằng câu trả lời từ Bộ Văn hóa xoay quanh vụ việc là chưa hề thỏa đáng. Ảnh: Bona Film Group. |
- Sau vụ việc, công tác kiểm duyệt hiện bị dư luận đặt dấu hỏi rất lớn. Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, bà có thể chia sẻ gì về công việc này?
- Thời gian làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, cũng như “thâm niên” tham gia Hội đồng Duyệt phim trung ương của tôi, so với nhiều thành viên trong hội đồng hiện nay đâu có thấm gì.
Kinh nghiệm mà tôi tự rút ra cho bản thân rất đơn giản: cái gì còn ngờ ngợ về giá trị thì mạnh dạn đưa ra phân tích, tranh luận, lắng nghe, trước khi quyết định ký phiếu. Cái gì bản thân tin là được hoặc không được một cách có căn cứ, thì dù cho tỷ lệ bỏ phiếu trong hội đồng có chênh lệch thế nào vẫn bảo lưu nhận định của bản thân.
Điệp vụ Biển Đỏ là bộ phim của điện ảnh Trung Quốc xoay quanh câu chuyện về lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin là những kiều dân ở một nước Trung Đông và tiêu diệt bọn khủng bố đang âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt thế giới.
Tác phẩm chính thức khởi chiếu tại Việt Nam từ 16/3, nhưng gây ra dư luận không tốt khi đoạn cuối phim xuất hiện hình ảnh khu vực Biển Đông với tàu chiến Trung Quốc xua đuổi một con tàu lạ, không rõ danh tính.
Nhà phát hành CGV đã thông báo ngừng trình chiếu Điệp vụ Biển Đỏ từ tối 24/3 với lý do vắng khách. Tới ngày 26/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra thông cáo báo chí cho biết việc kiểm duyệt bộ phim diễn ra hoàn toàn đúng quy trình, và toàn bộ phần hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn kết không có đủ căn cứ để kết luận rằng Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo.