Chiêu 'bẩn' trong đấu thầu
Cuộc chiến nhà thầu - chủ đầu tư với nhiều mánh khóe gian dối đã khiến cho công tác đấu thầu vừa thiếu minh bạch, vừa gây lãng phí nguồn lực lớn.
>> Em bán hồ sơ, anh trúng thầu xây dựng
Chủ đầu tư dự án "Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ, phục vụ thu hồi đất dự án khu đô thị mới ở huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội" ghi danh địa điểm bán hồ sơ mời thầu (HSMT) là Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, với đầy đủ số điện thoại).
Trên thực tế, địa chỉ này không tồn tại khiến các nhà thầu phải lòng vòng khắp thị trấn Chúc Sơn suốt cả thời gian phát hành HSMT. Kết quả, họ không tìm thấy Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn thiết kế kiến trúc Việt Nam này ở đâu. Số điện thoại cũng không liên lạc được.
Địa chỉ "ma" do chủ đầu tư đưa ra đã khiến bao nhà thầu "việt vị" (ảnh minh họa) |
Trường hợp khác, một nhà thầu ở Hà Nội mua HSMT gói thầu "Xây dựng mạng lưới đường nông thôn cấp IV" của một xã ở tỉnh Điện Biên - cho biết, lúc mua được HSMT thì thời điểm đóng thầu cũng kề cận, thời gian để chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) còn quá ít nên không nộp kịp.
Một số chủ đầu tư còn đưa ra những yêu cầu về năng lực khá buồn cười. Chẳng hạn, tại HSMT gói thầu "Mua sắm 200 giường bệnh loại 2, trong đó 120 giường bệnh điều trị theo chế độ bảo hiểm y tế, bệnh viện đa khoa A.", phần yêu cầu về năng lực tài chính của nhà thầu quy định: "Doanh thu bình quân 3 năm 2008, 2009 và 2010 phải đạt 50 tỷ đồng trở lên", trong khi đó giá gói thầu chỉ gần 900 triệu đồng (chưa đầy một tỷ).
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư cũng nhiều trường hợp bị ăn quả đắng từ các nhà thầu ma mãnh, gian lận. Đơn cử như chủ đầu tư dự án "Mở rộng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn xã TN". Khi chủ đầu tư đăng tải thông báo mời thầu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến hết thời gian phát hành HSMT, chủ đầu tư chỉ thấy có hai nhà thầu đến mua nên đã gia hạn thời gian phát hành. Thông báo gia hạn này cũng được đăng tải rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, đến hết thời gian gia hạn bán HSMT, chỉ có thêm một nhà thầu đến mua HSMT. Đến thời điểm đóng thầu, chỉ có 3 nhà thầu đến nộp HSDT.
Điều đáng chú ý là trong 3 HSDT thì 1 trường hợp về cơ bản không đáp ứng yêu cầu của HSMT, trường hợp khác có giá dự thầu sau khi hiệu chỉnh sai lệch - giảm giá vượt giá gói thầu, HSDT còn lại của công ty X. thì giá xấp xỉ với giá gói thầu. Công ty X đã có thể trúng thầu nếu như chủ đầu tư không biết thông tin về việc nhà thầu này đã quây thầu và thuê 2 nhà thầu khác làm quân xanh cho mình.
Cứu cánh đấu thầu qua mạng
Trước thực tế này, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) cho rằng, việc tăng cường đào tạo về đấu thầu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, trong đó có chủ đầu tư, bên mời thầu là rất cần thiết.
Đấu thầu qua mạng sẽ hạn chế được những tiêu cực do đấu thầu trực tiếp phát sinh. |
Khi chủ đầu tư nắm chắc pháp luật, nâng cao năng lực và có nghiệp vụ chuyên môn thì nhà thầu sẽ không có đất để diễn trò. Chủ đầu tư cần phải tinh tường trong việc phát hiện các sai phạm của nhà thầu để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh không bị rơi vào cái bẫy do các nhà thầu tạo ra, làm ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như hiệu quả đầu tư.
Với những nhà thầu cố tình vi phạm, ông Tăng khuyến nghị, các chủ đầu tư cần công khai danh tính các nhà thầu này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các bộ, địa phương với chức năng quản lý nhà nước về đấu thầu, cần tập hợp và thống kê đầy đủ danh sách các nhà thầu vi phạm đưa lên trang web của Bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời gửi cho Cục Quản lý Đấu thầu - Bộ KH-ĐT để đưa lên website chính thức của Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia VNEPS.
Ngược lại, để trị những chủ đầu tư xấu tính, theo những chuyên gia quản lý về đấu thầu, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu trong suốt quá trình thực hiện dự án, từ khâu chuẩn bị tổ chức đấu thầu (lập, bán HSMT... ) đến việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu của chủ đầu tư.
Đặc biệt, một phương pháp nâng cao tính minh bạch, hạn chế sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu là thực hiện đấu thầu điện tử. Đấu thầu điện tử được hiểu là quá trình sử dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin (internet) và các thiết bị điện toán để thực hiện quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn và xây lắp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Khi hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia VNEPS được chính thức đưa vào sử dụng và có tính chất bắt buộc với hành lang pháp lý hoàn thiện, các chủ đầu tư, bên mời thầu đều sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu thông qua hệ thống trên. Từ đó, tránh được tình trạng áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu một cách tràn lan, chỉ định ngầm, thiếu công khai, minh bạch.
Thay vì phải đến tận địa chỉ của chủ đầu tư, bên mời thầu để mua HSMT, nộp HSDT và tham dự lễ mở thầu theo giờ hành chính, thì nay, dù tổ chức đấu thầu ở Hà Nội, một công ty ở TP.HCM, Cà Mau... cũng dễ dàng mua HSMT và nộp HSDT bất cứ lúc nào với vài cú nhấp chuột đơn giản. Khi tham gia đấu thầu qua mạng, nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu, nên việc phát sinh tiêu cực hạn chế hơn, tính cạnh tranh cao hơn.
Theo VEF