Chiềng Nơi - nơi ánh sáng đi liền với hy vọng
Em Tòng Thị Vân sẽ có cơ hội vẽ thêm nhiều bức tranh đẹp trong đêm tối, khi có bạn đồng hành là những chiếc đèn năng lượng mặt trời của Samsung trao tặng.
15h một ngày cuối tháng 4, hàng trăm người dân xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đổ về bãi đất trống trước cửa nhà ông Lò Văn Hạnh. Hôm nay, họ không lên nương như mọi khi. Trước đó nhiều ngày, lãnh đạo xã đến từng nhà thông báo về việc sắp có đoàn khách đến thăm, mời mọi người ra dự.
Kể từ hôm đó, chị Hà Thị Hoàn (sống tại bản Huổi Do) cứ háo hức trông mong, đếm ngược từng ngày. Người mẹ một mình nuôi 3 con nhỏ chờ đợi “điều kỳ diệu” sẽ đến với gia đình mình, mang ánh sáng tới ngôi nhà nhỏ của chị. Từ khi sinh ra đến nay, những đứa trẻ nhà chị chưa từng được hưởng cuộc sống có ánh đèn điện trong nhà.
Cuộc sống không ánh đèn điện
Nhà chị Hà Thị Hoàn nằm trong một xóm nhỏ thuộc bản Huổi Do, xã Chiềng Nơi, lối vào là con đường đất gồ ghề khó đi. Đường vào nhà chị tối om không có ánh điện, nhà cửa xung quanh cũng không phát ra bất kỳ thứ ánh sáng nào.
Nếu không phải là ngày cuối tuần, chị Hoàn sẽ sống một mình trong căn nhà sàn 2 ngăn được người em trai bỏ tiền ra dựng cho. Ba đứa con của chị đều đang học nội trú tại trường Tiểu học Chiềng Nơi, chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Chị chia tay chồng cách đây 3 năm, từ đó trở thành người mẹ đơn thân tần tảo một mình nuôi 3 đứa con nhỏ.
Một mình phải làm lụng nuôi 3 đứa con, chị chỉ nghĩ được đến việc làm thế nào cho chúng đủ ăn đủ mặc, không dám nghĩ đến những điều kiện sinh hoạt khác. Nhà chị không có điện, chị cũng không có tiền để mua dầu thắp sáng căn nhà khi mặt trời xuống núi. Ánh sáng duy nhất trong nhà chị khi tối đến là ngọn lửa bập bùng dưới căn bếp nhỏ.
Chiều đến, chị sẽ đi nhặt nhánh củi khô ở gần nhà, mang về chất trong bếp. Những ngày trong tuần, khi những đứa trẻ chưa về nhà, chị chỉ dùng một ít củi nhỏ, nấu cho mình bữa ăn đạm bạc với cơm trắng và rau rừng, rồi ngồi lủi thủi ăn một mình.
Cuối tuần, khi mẹ con được quây quần bên nhau, chị sẽ nấu thêm một ít thức ăn, nhét thêm vài cành củi to để lửa cháy đượm hơn. Ba đứa trẻ ngồi quây bên bếp, kể cho mẹ nghe những câu chuyện ở trường.
Khi củi cháy gần hết, căn nhà sẽ dần chìm vào bóng đêm, đó là lúc cả nhà đi ngủ. Mẹ con chị không có thời gian cùng nhau làm những công việc khác, chỉ quanh quẩn bên căn bếp nhỏ vì đó là nơi duy nhất phát ra ánh sáng.
“Nhớ con nhưng nhiều lúc chỉ muốn chúng nó ở trường luôn, về nhà không có điện thấy khổ quá”, chị Hà Thị Hoàn nói. Chị không biết đến khi nào ánh sáng của đèn điện sẽ về với gia đình mình và những đứa trẻ nhà chị đến bao giờ thì được học bài dưới ánh đèn điện.
Ước mơ trẻ thơ dưới mái nhà không ánh đèn
Cách đó vài nóc nhà, em Tòng Thị Vân (14 tuổi) cứ thứ 7 sẽ được bố đón về nhà sau một tuần học bán trú ở trường. Vân là học sinh trường THCS Chiềng Nơi, nơi hàng trăm học sinh khác cũng giống như em, sẽ học bán trú ở đó và về nhà vào ngày cuối tuần.
Trường của Vân có điện, còn nhà em thì không, nhưng Vân vẫn háo hức chờ đến ngày cuối tuần được bố đón về nhà. Với em, không có niềm vui nào hơn việc được về nhà với bố mẹ và em trai, được ăn những bữa cơm trắng với rau rừng và làm giúp bố mẹ việc nương rẫy. Những nương ngô, đồi cà phê là nơi làm ra tiền nuôi em ăn học, em nghĩ mình cũng phải làm gì đó giúp gia đình.
Ước mơ của Vân khi lớn lên là trở thành họa sĩ. Ở trường, em vẽ những bức tranh về thầy cô bạn bè, được treo trên tường của lớp học. Ở nhà, em không có thời gian làm việc mình yêu thích.
Ban ngày em sẽ phụ giúp bố mẹ công việc nương rẫy, cho lợn ăn. Chiều tối, em cùng mẹ nấu cơm cho cả nhà. Khi mặt trời khuất hẳn sau đỉnh núi, bố em sẽ châm một ngọn đèn dầu, thắp sáng mâm cơm gia đình. Khoảng thời gian duy nhất em có thể vẽ tranh khi về nhà là vào buổi tối, sau khi ăn cơm, nhưng khi đó, ánh đèn dầu tù mù không đủ để soi sáng những nét vẽ của em trên trang giấy. Với ánh sáng đó, em cũng không thể đọc sách hay học bài.
“Dù nhà không có điện nhưng em thích về nhà vì có bố mẹ, nhưng về nhà thì em không thể học bài vào ban đêm”, Vân nói.
Em Tòng Thị Vân ước mơ làm họa sĩ nhưng không có nhiều điều kiện để được vẽ tranh ở nhà. |
Nói về ước mơ làm họa sĩ, Vân có phần rụt rè hơn bình thường. Em cho biết đó chỉ là ước mơ, còn khi học hết lớp 9 có lẽ em cũng sẽ như những người bạn cùng trang lứa quay trở về làm nương rẫy với gia đình, rồi lấy chồng sinh con.
Ở xã Chiềng Nơi, có những bản làng như Huổi Do, Nà Pặng, Pá Hốc, chưa thể đón ánh sáng đèn điện từ lưới điện quốc gia do khoảng cách quá xa. Chị Hà Thị Hoàn hay em Tòng Thị Vân chỉ là hai trong số nhiều người sống ở các bản này, đang có một cuộc sống không ánh đèn điện khi đêm tối.
Ở đây, thật khó để những đứa trẻ như Vân có thể giữ niềm tin về ước mơ của mình, khi mà nhu cầu cơ bản nhất của một cộng đồng dân cư là “điện” cũng chưa thể đến với gia đình em cùng nhiều người dân khác.
Mặt trời mơ ước - thắp sáng những ước mơ
Một sáng sớm cuối tháng 4, đoàn xe dự án “Mặt trời mơ ước” chính thức lăn bánh, đi về xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) để trao tặng hàng nghìn chiếc đèn năng lượng mặt trời cùng đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm cho trẻ em và người dân của bản làng thiếu điện.
Đoàn xe “Mặt trời mơ ước” mất gần một ngày để đến được với bản làng Chiềng Nơi. |
Đoàn xe phải vượt qua những cung đường đèo khó khăn hiểm trở, địa hình gập ghềnh khi lầy khi cát. |
Buổi chiều hôm ấy, hàng trăm người dân trong xã Chiềng Nơi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đổ về bãi đất trống trước cửa nhà ông Lò Văn Hạnh. Hôm nay, họ không lên nương như mọi khi. Dự án “Mặt trời mơ ước” do Samsung tổ chức được thực hiện trước sự đón đợi của nhiều người như vậy.
Dự án "Mặt trời mơ ước" đến với xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vào cuối tháng 4, trong sự đón chờ của nhiều người dân. |
Hiểu được khó khăn của người dân Chiềng Nơi và những vùng miền chưa thể tiếp cận nguồn ánh sáng nhân tạo, Samsung mang dự án “Mặt trời mơ ước” đến 3 bản Huổi Do, Nà Phặng, Pá Hốc (xã Chiềng Nơi) và 3 xã Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, đảo Hòn Chuối (Cà Mau).
Cuối tháng 4, chương trình diễn ra ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với sự có mặt của hàng trăm người dân, các em nhỏ. Trước sự chứng kiến của nhiều người, Samsung đã trao tặng hàng nghìn chiếc đèn năng lượng mặt trời cho người dân ở các bản thiếu điện trong xã.
Chị Hà Thị Hoàn đón nhận món quà của Samsung trong niềm hạnh phúc. Nhiều em nhỏ cũng háo hức với món quà và những trò chơi do ban tổ chức chuẩn bị. |
Ngoài việc trao tặng những chiếc đèn năng lượng mặt trời và nhu yếu phẩm cho bà con, dự án Mặt trời mơ ước còn tổ chức một sân chơi nhỏ cho trẻ em nơi đây, với các hoạt động vẽ tranh, tô màu và cây điều ước phát sáng trong đêm cho các bé.
1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời từ Samsung sẽ giúp hoạt động sinh hoạt của người dân và trẻ em những khu vực thiếu điện bớt khó khăn hơn. Đáng nói, 1.000 chiếc đèn này do chính các nhân viên Samsung lắp ráp, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2019 - một sự kiện quốc tế hàng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (World Wildlife Fund - WWF) thực hiện.
Với việc tắt đèn và các thiết bị chiếu sáng trong một giờ, công ty hy vọng sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ Trái đất, môi trường.
Trước đó, dự án “Mặt trời mơ ước” cũng được tổ chức tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Trong đó, Samsung đã trao tặng 1.000 chiếc đèn năng lượng mặt trời cùng một công trình trường học và thư viện khang trang cho trẻ em, thầy giáo và người dân vùng cao Tri Lễ, tổng giá trị dự án lên tới hơn 6 tỷ đồng.
Bằng cách tắt đèn trong một giờ tại 7 trụ sở chính của Samsung tại Hàn Quốc và 31 chi nhánh bán hàng trên khắp thế giới, ngoài việc tiết kiệm điện, công ty đã giảm thiểu 5,7 tấn phát thải CO2, tương đương lượng khí mà 870 cây thông 30 tuổi có thể hấp thụ trong suốt 1 năm.
Với chiếc đèn này, chị Hà Thị Hoàn không phải cùng ba đứa con nhỏ sinh hoạt trong đêm tối. Em Tòng Thị Vân có thể ăn những bữa cơm đủ ánh sáng với gia đình hay vẽ nên các bức tranh kể cả khi mặt trời đã khuất bóng.
Những chiếc đèn năng lượng sẽ là người bạn đồng hành với người dân nơi đây, trong mọi sinh hoạt thường ngày. Những chiếc đèn được thiết kế nhẹ, gọn, xinh xắn; một mặt lắp pin năng lượng mặt trời vốn làm bằng chất liệu không bám bẩn và thấm nước, mặt còn lại lắp đèn chiếu sáng. Chỉ cần sạc pin dưới ánh sáng mặt trời vào ban ngày, đèn có thể thắp sáng trong vòng 8 giờ vào ban đêm, linh động, dễ di chuyển và chiếu sáng mọi ngóc ngách trong nhà.
Buổi tối, khi mặt trời xuống núi, chiếc đèn sẽ được mang vào và phát sáng dưới những mái nhà. Người dân không phải chạy xe 80 km xuống huyện Mai Sơn mua dầu thắp vào đèn hay tìm cách để chiếc máy "phát điện tự chế" không bị trôi đi bởi lũ cuốn.
“Em sẽ dùng đèn này để soi lúc vẽ tranh”, em Tòng Thị Vân nói trong niềm vui.
Ước mơ của em có lẽ vẫn còn dang dở, nhưng bằng chiếc đèn tích điện năng lượng mặt trời cùng nhiều món quà khác dành tặng trẻ em nơi đây, Samsung hy vọng sẽ chắp cánh cho những ước mơ của các em.
Như chính thông điệp in trên mỗi chiếc đèn - "Share the light" (Sẻ chia ánh sáng), Samsung mong muốn chiến dịch "Mặt trời mơ ước" sẽ trở thành cầu nối đưa công nghệ đến gần hơn với mỗi người dân Việt Nam, cũng như thêm cơ hội để hàng ngàn “mặt trời” tiếp tục tỏa sáng dưới những mái nhà trong đêm tối.