Tháng 10 vừa qua, Samsung đã giới thiệu hai chiếc điện thoại tầm trung Galaxy A7 và Galaxy A9 phiên bản 2018. Trang CNet nhận định, đây là điều "điên rồ" nhất gã khổng lồ Hàn Quốc từng làm.
Ông lớn cũng phải thay đổi
Dòng A của Samsung được biết đến với những sản phẩm thuộc phân khúc giá tầm trung. Máy thường thừa hưởng thiết kế cùng một số công nghệ từ dòng Galaxy S hoặc Note cao cấp.
Tuy nhiên, với hai mẫu Galaxy A7 và A9 2018, công ty đã thay đổi hoàn toàn nhận định trên khi trang bị cho hai chiếc điện thoại một thiết kế độc đáo với mặt lưng có thể thay đổi màu sắc. Ngoài ra, chiếc Galaxy A9 cũng được tích hợp cụm 4 camera, điều chưa chiếc smartphone cao cấp nào của hãng có.
Vậy tại sao Samsung lại thay đổi chiến lược và tập trung phát triển các dòng điện thoại tầm trung? Theo CNet, nguyên nhân đến từ sức ép của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc.
Samsung đã phải thay đổi chiến lược trên dòng Galaxy A của hãng do sức ép từ các hãng Trung Quốc. |
Theo số liệu từ hãng phân tích thị trường Gartner, năm 2017 có hơn 208 triệu smartphone tầm trung được xuất xưởng, chiếm khoảng 49% tổng thị trường điện thoại tại Trung Quốc. Trong đó, các thương hiệu nội địa như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi nắm giữ 90% thị phần trong nửa đầu năm 2018.
5 năm trước khi bắt đầu gia nhập thị trường Trung Quốc, Samsung đã sở hữu 20% thị phần tại đây. Tuy nhiên, con số hiện tại chỉ còn lại 2% do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn về giá của các thương hiệu Android nội địa.
“Ở Trung Quốc, chúng tôi đang gặp khó khăn nhưng chúng tôi biết mình đã sai những gì và đang nỗ lực khắc phục điều đó. Chúng tôi đang tìm cách lấy lại tình yêu và niềm tin từ khách hàng và tôi tin rằng trong năm tới mọi chuyện sẽ tốt hơn”, ông DJ Koh, Giám đốc mảng di động của Samsung chia sẻ.
Theo CNet, chiến lược mới của Samsung là hướng vào đối tượng khách hàng trẻ tuổi, mang đến cho họ một thiết bị có màn hình lớn, máy ảnh tốt để chụp hình đăng tải lên mạng xã hội. Hai chiếc Galaxy A7 và A9 2018 đã cho thấy hướng đi này của công ty.
Cuộc đua ở mọi mặt trận
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc chơi này khi liên tục tung ra hàng loạt mẫu điện thoại ở phân khúc giá tầm trung nhưng sở hữu cấu hình mạnh, thiết kế nhiều màu sắc cùng camera trang bị AI.
Trong vài năm qua, Oppo chủ yếu phát triển điện thoại ở phân khúc tầm trung và thường xuyên tích hợp nhiều công nghệ mới lên các sản phẩm này. Gần đây nhất, chiếc Oppo R17 Pro đã trở thành chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới được trang bị cảm biến Time-of-Flight (TOF), điều mà chiếc Oppo Find X cao cấp không có. Bên cạnh đó, Oppo cũng đang phát triển một ứng dụng giúp tận dụng công nghệ TOF, sử dụng cảm biến 3D vào các tính năng AR.
Thiết kế của smartphone tầm trung ngày càng hoàn thiện, nhiều màu sắc hơn. Ảnh: unbox. |
“Thiết kế sẽ giúp các sản phẩm của chúng tôi trở nên nổi bật”, ông Chuck Wang, giám đốc sản phẩm của Oppo chia sẻ trong một bài phỏng vấn với CNet. Ông Wang tin rằng việc công ty tập trung vào thiết kế, tạo ra những chiếc điện thoại có ngoại hình đẹp sẽ giúp sản phẩm của hãng dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Tại thị trường Việt Nam, các hãng smartphone Trung Quốc cũng liên tục cho ra mắt sản phẩm ở phân khúc tầm trung. Những cái tên nổi bật như Huawei Nova 3i, Xiaomi Mi 8 Lite, Oppo F9 hay Vivo V11i đều được trang bị thiết kế độc đáo với mặt lưng kính đổi màu, cấu hình tốt, camera kép tích hợp AI cùng nhiều chế độ làm đẹp.
Thậm chí, Huawei, Xiaomi và Oppo đã mang về Việt Nam những thương hiệu con nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về cấu hình. Các mẫu máy như Honor Play, Pocophone F1 hay Realme 2 Pro đều được trang bị thông số phần cứng của smartphone cao cấp nhưng giá bán của chúng lại thuộc phần khúc tầm trung, khoảng 6-8 triệu đồng.
Có thể thấy, sức ép từ các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc đã khiến Samsung phải thay đổi chiến lược của hãng bằng việc tung ra hai mẫu A7 và A9 với thiết kế mới mẻ, nhiều màu sắc hơn, cấu hình tốt hơn cùng nhiều công nghệ khác biệt.
Các hãng Trung Quốc sử dụng chiều bài thương hiệu con để tung ra smartphone giá rẻ cấu hình cao. Ảnh: Lê Trọng. |
Hãng phân tích Gartner cũng đưa ra dự đoán, nhóm điện thoại cấp thấp và tầm trung sẽ tiếp tục tăng trưởng lên con số 228 triệu chiếc vào năm 2022.
Gartner nhận định sự thành công của các nhà sản xuất Trung Quốc đến từ việc giá bán sản phẩm thấp, trong khi sở hữu một hiệu năng cao, kết hợp với các chiến lược bán lẻ trực tuyến cùng việc tích cực hoạt động tại các kênh truyền thông và mạng xã hội.
“Để có thể tăng trưởng thị phần trong tương lai, các hãng sẽ cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm sử dụng như tích hợp thêm trí thông minh nhân tạo, trang bị cấu hình phần cứng mạnh mẽ hơn và phần mềm thông minh hơn”, Angie Wang, một nhà phân tích của Gartner nói.