'Chiến tranh' vàng trang sức bùng nổ
Sau cuộc đua về vàng thương mại, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng đang bắt đầu dồn sức cho cuộc đua vàng nữ trang, nổi bật là cuộc so kè giữa SJC và PNJ.
Không được phép sản xuất vàng miếng, hai DN lớn là Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đẩy mạnh sang lĩnh vực nữ trang. Nhắm đến mảng kinh doanh này, tháng 5 vừa qua, SJC đã khánh thành Xí nghiệp Nữ trang SJC Tân Thuận tại TP.HCM, có tổng vốn đầu tư 132 tỷ đồng.
Theo công bố của SJC, Xí nghiệp có công suất 350.000-500.000 sản phẩm nữ trang/năm, sẽ cung ứng ra thị trường 800.000 sản phẩm nữ trang/năm. Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC, cho biết, để đẩy mạnh sản xuất nữ trang, mới đây, SJC đã mua thêm máy phân kim, máy dập. Dù đã có 4 máy kiểm định, nhưng để đảm bảo chất lượng vàng nữ trang như thương hiệu vàng miếng SJC trước đây, Công ty đã mua thêm máy đo tuổi vàng.
PNJ vốn có thế mạnh về sản xuất nữ trang với khả năng cung ứng 3 triệu sản phẩm mỗi năm nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đầu năm 2012, một xí nghiệp sản xuất vàng nữ trang với quy mô sản xuất tầm khu vực đã được xây dựng. Ông Huỳnh Văn Tẩn, Phó giám đốc marketing PNJ, cho biết, trong tháng 10, xí nghiệp sản xuất nữ trang PNJ với công suất hơn 4 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng sẽ khánh thành và đi vào hoạt động. Như vậy, xưởng sản xuất mới này sẽ giúp PNJ cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm nữ trang mỗi năm.
Hiện trên thị trường, vàng nữ trang của PNJ chiếm thị phần rất lớn. |
Từ nhiều năm nay, SJC chiếm đến 90% thị phần vàng miếng trên thị trường, thế nhưng, từ 25/5 đến nay, SJC chỉ được phép gia công cho Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, để phát triển, không gì khác hơn là phải mở rộng đầu tư sang lĩnh vực vàng nữ trang. Nói về vấn đề này, lãnh đạo SJC cho rằng, không phải đến bây giờ, khi có quyết định của Ngân hàng Nhà nước về việc giao SJC gia công vàng miếng, Công ty mới đầu tư vào nữ trang, mà ngay từ năm ngoái, Công ty đã xác định nữ trang là nũi nhọn trong thời gian tới.
Liên tục mở mới mạng lưới
Cùng với việc mở rộng sản xuất nữ trang, các DN cũng chạy đua mở rộng hệ thống cửa hàng. Tính đến cuối năm, SJC có 186 cửa hàng trên toàn quốc và từ đầu năm đến nay, DN này cũng liên tục khai trương các cửa hàng mới. Gần đây nhất, ngày 19/9, SJC khai trương cửa hàng nữ trang tại Maximark Cộng Hòa. Cửa hàng này chuyên bán các dòng trang sức cao cấp làm từ vàng 10K, 14K, 18K gắn đá quý, đá màu, đá CZ, kim cương và ngọc trai được chế tác của thợ kim hoàn ở Xí nghiệp nữ trang Tân Thuận.
Ông Chính cho biết, SJC chú trọng mở rộng thị trường nội địa thông qua việc tổ chức lại kinh doanh lĩnh vực nữ trang theo hai mảng chuyên biệt: mảng bán lẻ gắn với các cửa hàng nữ trang cao cấp; mảng bán sỉ cung cấp nữ trang đúng tuổi, nữ trang có chất lượng cho người tiêu dùng thông qua mạng lưới bạn hàng, đại lý. Cùng với mạng lưới kinh doanh, phân phối gồm 186 cửa hàng và 22 đại lý chính thức, SJC còn mở rộng kinh doanh với 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.
Không thua kém SJC, từ đầu năm đến nay, PNJ cũng liên tục khai trương các cửa hàng mới. Kế hoạch năm 2012 được PNJ đặt ra là sẽ có 30 cửa hàng kinh doanh vàng, bạc đi vào hoạt động. Đến cuối tháng 6/2012, PNJ đã hoàn thành 36% kế hoạch mở rộng với 11 cửa hàng khai trương. Ông Tẩn cho biết, PNJ đã có 164 cửa hàng tại 40 tỉnh, thành trong cả nước và từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 4-5 cửa hàng nữ trang PNJ được khai trương.
Cả nước có khoảng 12.000 DN kinh doanh vàng. Theo quy định hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong số đó chỉ một số ít DN đủ điều kiện mua bán vàng miếng, còn lại phải chuyển sang sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Không dừng lại ở số cửa hàng trên, PNJ đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới bán lẻ lên đến 300 cửa hàng đến cuối năm 2017. Cùng với việc mở cửa hàng, PNJ có kế hoạch nâng cao lượng khách hàng bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm, đồng thời giới thiệu sản phẩm mới vào thị trường nội địa với trọng lượng nhẹ, trang sức mang phong cách Ý; dòng sản phẩm phụ kiện thời trang giá rẻ (Yabling).
Với tham vọng trở thành nhà sản xuất và bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á, bên cạnh việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, PNJ cũng tái cấu trúc toàn bộ hoạt động. Đại diện PNJ cho rằng, việc phát triển mạng lưới cửa hàng không phải đến khi có Nghị định 24 mới thực hiện mà Công ty đã lên kế hoạch từ cuối năm 2011.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh hiện nay thì việc mở thêm nhiều cửa hàng là yêu cầu bắt buộc của các DN ngành vàng. Công ty cũng đã thực hiện công nghiệp hóa triệt để đối với sản phẩm trang sức phụ kiện, đạt 95%. Hiện cũng đang làm việc với các nhà thiết kế trong nước và quốc tế nhằm tạo ra đồ trang sức đạt tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn