Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đến Việt Nam là chủ đề được thảo luận nhiều tại cuộc tọa đàm của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - thuộc Bộ KH&ĐT) ngày (8/8).
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban kinh tế thế giới của NCIF, chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã hiện hữu và bắt đầu tác động đến Việt Nam từ năm 2018 và lên đến đỉnh điểm vào năm 2020-2021. Theo đó, năm 2018, chiến tranh thương mại của 2 cường quốc làm giảm 0,03% GDP của Việt Nam; đến năm 2019 tăng lên 0,09%; đến năm 2020-2021 là 0,12% và đến năm 2022 tác động 0,11%.
Theo tính toán, quy mô của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2017 là 5 triệu tỷ đồng. Nếu tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm kể từ 2018, năm 2022, quy mô của nền kinh tế sẽ đạt khoảng 6,85 triệu tỷ đồng.
Như vậy, theo tính toán của NCIF, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm giảm GDP Việt Nam năm 2018 khoảng 1.600 tỷ đồng, năm 2019 sẽ là 5.105 tỷ đồng. Đỉnh điểm trong năm 2020 và 2021, GDP sẽ bị tác động là cao nhất, lần lượt là 7.250 tỷ đồng và 7.720 tỷ đồng. Đến năm 2022, tác động của chiến tranh thương mại sẽ giảm nhiệt khi là 0,11%, tương đương khoảng 7.740 tỷ đồng.
Tính cả giai đoạn 2018-2022, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm GDP Việt Nam hụt khoảng 29.200 tỷ đồng, tính trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.
Theo ông Trần Toàn Thắng, độ mở của nền kinh tế càng cao thì tác động càng nhiều. Ví dụ như Singapore, giai đoạn 2019-2023, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ làm hụt GDP của nước này khoảng 0,2-0,37%, nghĩa là gấp 3 lần Việt Nam.
Đại diện NCIF cũng cho biết chưa có nhiều đánh giá cụ thể về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tới tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tác động mạnh nhất đến Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021. Ảnh minh họa. |
Nói về kịch bản tăng trưởng GDP Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, NCIF cho rằng tốc độ sẽ giảm dần. Quý III sẽ ở mức 6,72% và đến quý IV giảm xuống 6,56%. Dự báo cả năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,81%.
NCIF nhận định có rất nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm đến từ cả trong và ngoài nước.
Ở ngoài nước, Việt Nam tiếp tục gặp sức ép từ việc tăng giá của đồng USD (xuất phát từ tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng lãi suất điều hành của FED). Ngoài ra còn có chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Biến động của giá hàng hóa cơ bản và giá năng lượng trên thị trường quốc tế cũng là một thách thức lớn.
Trong nước, sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn tới từ tỷ giá và kiểm soát lạm phát. NCIF cho rằng lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Dự báo tăng trưởng GDP 2 quý cuối cùng của năm 2018. |
Trong khi đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa thấy tác động rõ nét. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn.
Từ đó, NCIF cho rằng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây nhưng đang có dấu hiệu mất đà, do thiếu động lực hỗ trợ. Với việc lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn, đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu.
Với chính sách bảo hộ thương mại chưa có tác động rõ nét, Việt Nam cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như các chính sách bảo hộ của các quốc gia khác.