Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thành sự thật?

Canh bạc đầy rủi ro của Trump bước vào giai đoạn nguy hiểm mới khi áp thuế trực tiếp 800 mặt hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các công ty và người tiêu dùng trên toàn cầu.

chien tranh thuong mai,  my ,  trung,  thue anh 1

Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nổ phát súng lớn nhất trong cuộc chiến thương mại toàn cầu bằng cách áp đặt thuế quan trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy hiểm bởi những hành động trả đũa lẫn nhau.

Hôm qua (5/7), khi đang trên đường tới Montana, ông Trump đã nói với các phóng viên cùng có mặt trên chiếc Air Force One rằng thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc sẽ chính thức có hiệu lực sau nửa đêm 5/7 theo giờ Mỹ. 16 tỷ USD hàng hóa khác sẽ bị đánh thuế sau 2 tuần nữa.

Thậm chí, ông Trump còn nói rằng cuối cùng tổng số hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên đến 550 tỷ USD, lớn hơn cả lượng hàng hóa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hàng năm.

Vào 0h01 sáng ngày 6/7 theo giờ Washington, hải quan Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế 25% đối với loạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ máy cày cho đến chip bán dẫn và linh kiện máy bay. Đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau nhiều tháng buộc tội Bắc Kinh ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng phình to.

Xung đột thực sự

Robert Holleyman, nguyên Phó đại diện thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cho biết: “Khi các mức thuế này bắt đầu có hiệu lực, rõ ràng là xung đột là có thật. Nếu chúng ta không tìm thấy một giải pháp, nó sẽ tăng tốc như một quả cầu tuyết lao xuống ngọn đồi.”

Trung Quốc đáp trả động thái này khi tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa Mỹ từ đậu tương cho đến thịt lợn. Điều này có thể khiến Trump tăng rào cản thương mại lên mức cao hơn.

Trước đó, EU và Canada đã đáp trả thuế nhôm và thép nhập khẩu của Mỹ.

Một loạt các bài báo về xung đột trong đó chỉ trích Mỹ được đăng trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc những ngày gần đây.

chien tranh thuong mai,  my ,  trung,  thue anh 2
Các mặt hàng chủ yếu gây nên thâm hụt thương mại của Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nhiều công ty bị ảnh hưởng, cổ phiếu lao dốc

Harley-Davidson Inc., công ty mang tính biểu tượng của Mỹ nằm trong số những công ty bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất xe cho biết: trong tháng này họ có thể chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước Mỹ nhằm tránh thuế của EU.

Các doanh nghiệp Mỹ từ Apple Inc., Walmart Inc. đến General Motors Co. đều đang hoạt động mạnh ở Trung Quốc. Đó có thể là đối tượng bị trả đũa của Chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách làm chậm quá trình thông quan, thanh tra thuế và tăng cường giám sát.

Các cổ phiếu Trung Quốc đã giảm sâu trong những tuần gần đây, khi nhà đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại cùng khả năng kiểm soát nợ của Trung Quốc. Chứng khoán Mỹ chỉ tăng nhẹ hơn 2% trong năm nay khi các nhà đầu tư đã cân nhắc mối đe dọa thương mại đối với nền kinh tế Mỹ.

Rủi ro tăng trưởng kinh tế

Thiệt hại kinh tế sẽ phụ thuộc vào mức độ xung đột. Nếu Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt sau những động thái đầu tiên, tác động đối với nền kinh tế của họ sẽ rất khiêm tốn, theo Bloomberg.

Các nhà kinh tế cho rằng trong cuộc chiến thương mại toàn diện mà Mỹ đánh thuế 10% với các quốc gia khác và họ đáp trả, tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 0,8% vào năm 2020.

Tác động của vòng thuế quan đầu tiên lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ là “khá nhỏ”, Ethan Harris - người đứng đầu nghiên cứu kinh tế toàn cầu của ngân hàng Merrill Lynch, cho biết. Nhưng Harris dự đoán cuộc chiến sẽ không kết thúc cho đến khi có "thương vong".

Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn so với các nước khác. Đây là lợi thế của Mỹ trong cuộc chiến thuế quan. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa là Bắc Kinh có thể tập trung tăng gánh nặng pháp lý hoặc mức thuế đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc hoặc muốn khai thác thị trường nhiều tiềm năng này. Thậm chí Trung Quốc có thể thực hiện các bước quyết liệt như phá giá đồng NDT hoặc bán gần 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc của Mỹ. Các biện pháp đều làm tổn hại đến cả Trung Quốc lẫn Mỹ.

Trong quá khứ, Mỹ đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để giành được các cuộc giao thương thương mại với các nước đang phát triển, James Boughton, một thành viên cấp cao của Trung tâm Cải tiến Quản trị Quốc tế tại Waterloo, Ontario, cho biết. Trung Quốc, nền kinh tế đã tăng gấp 10 lần kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, đặt ra một đối thủ đáng gờm hơn nhiều.

Trump đang tăng tốc thực hiện lời hứa đặt lợi ích nước Mỹ lên trước tiên trong các chính sách kinh tế và ngoại giao mà ông đã đưa ra khi tranh cử Tổng thống cách đây 2 năm. Ông luôn buộc tội Trung Quốc cướp đi việc làm của người Mỹ và thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng, gây thâm hụt thương mại song phương lên tới 336 tỷ USD.

V.Thùy

Bạn có thể quan tâm