Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chiến thuật của ông Trump để 'trói tay' chính quyền mới

Việc phe ông Trump tăng cường bổ nhiệm và "cài cắm" những người trung thành vào bộ máy liên bang có thể gây trở ngại cho chính quyền sắp tới của tổng thống đắc cử Joe Biden.

ong Trump sap man nhiem anh 1

Christopher Prandoni chỉ mới 29 tuổi khi gia nhập chính quyền Trump với vị trí phó giám đốc phụ trách tài nguyên thiên nhiên ở Hội đồng Chất lượng Môi trường. Năm ngoái, anh được điều chuyển tới Bộ Nội vụ và trở thành cố vấn thân cận của Bộ trưởng David Bernhardt, được dự hàng loạt cuộc họp quan trọng tại bộ.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bernhardt bổ nhiệm Prandoni vào vị trí thẩm phán tại Văn phòng Điều trần và Phúc thẩm ở Bộ Nội vụ. Đây là chức vụ thuộc nhánh công chức chuyên nghiệp với mức lương 114.000 USD/năm. Khi đó, Prandoni chỉ vừa tốt nghiệp trường luật được 3 năm.

"Công việc này là phần thưởng cho Prandoni sau khi cùng Bộ trưởng Bernhardt thúc đẩy chương trình nghị sự của chính quyền Trump nhiều tháng qua. Theo lẽ thường, Prandoni có thể chẳng bao giờ được ngồi vào ghế đó", Brett Hartl, một lãnh đạo tại Trung tâm Đa dạng Sinh học, nói với ProPublica.

Prandoni là một trong số 32 nhân sự diện "bổ nhiệm chính trị" mà chính quyền Trump muốn cài cắm vào ngạch công chức chuyên nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay. Chiến lược này xảy ra ở hầu hết mọi chính quyền.

Mặc dù nhóm chuyển tiếp của ông Biden chưa lên tiếng về vấn đề trên, đảng kiểm soát Nhà Trắng luôn lo ngại việc nhân sự của chính quyền cũ "bén rễ" trong bộ máy liên bang. Họ có thể trở thành lực cản trong việc chính quyền mới muốn thúc đẩy các chính sách ưu tiên.

ong Trump sap man nhiem anh 2

Johnny McEntee (trái) trở thành lãnh đạo văn phòng nhân sự ở Nhà Trắng vào đầu năm nay. Ông được cho là người đứng sau hàng loạt quyết định sa thải những nhân sự bị đánh giá kém trung thành với ông Trump. Ảnh: AFP.

Ra sắc lệnh mới để sa thải công chức dễ hơn

Theo Vox, nhiều khả năng ông Trump sẽ cố đề cử những vị trí thẩm phán còn trống trong vài tuần còn lại của nhiệm kỳ. Cho đến nay, ông đã bổ nhiệm gần 200 thẩm phán, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Ông Trump bổ nhiệm nhiều thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang hơn mọi tổng thống, tính đến cùng thời điểm trong nhiệm kỳ. Ông Mitch McConnell, Lãnh đạo Phe đa số Thượng viện vào tháng trước cho biết sẽ tiếp tục phê chuẩn các thẩm phán mà ông Trump đề cử.

Hồi cuối tháng 10, tổng thống đương nhiệm cũng ban hành một sắc lệnh khiến việc bổ nhiệm và sa thải nhân viên chính phủ dễ dàng hơn.

Ông Trump và các nghị sĩ Cộng hòa lập luận rằng sắc lệnh mới khiến họ đánh giá nhân viên nhà nước hoàn toàn dựa trên kết quả công việc. Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ quyền lợi công chức và một số nghị sĩ Dân chủ lo ngại sắc lệnh này làm suy yếu sự tôn trọng với chuyên môn và tính độc lập của những nhân viên nhà nước chuyên nghiệp.

Đến nay, chính quyền Trump sa thải lãnh đạo ba cơ quan liên bang, bao gồm cấp phó lãnh đạo Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Chủ tịch Ủy ban Quản lý Năng lượng Liên bang, và lãnh đạo Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia.

Nổi bật nhất trong số những người bị ông Trump sa thải ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ là Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Người được đôn lên chức quyền bộ trưởng là ông Christopher Miller - nhân vật trung thành và ủng hộ kế hoạch của ông Trump về việc rút quân khỏi vùng chiến sự ở nước ngoài.

Theo giáo sư Đại học New York (NYU) Beth Simone Noveck, các công chức chuyên nghiệp trong chính quyền, như “chuyên gia công nghệ trong Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh, nhà du hành vũ trụ trên trạm vũ trụ, hay những người xử lý thanh toán bảo hiểm xã hội”, thường có những cơ chế bảo vệ nhất định.

"Điều này nhằm đảm bảo họ không bị ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái, giúp họ không dễ bị sa thải", ông Noveck nói với Vox.

Nhưng sắc lệnh mới của ông Trump, về lý thuyết, cho phép ông sa thải người mình không thích và tuyển mộ người mình thích.

Qua bốn năm nhiệm kỳ, cách chọn người của ông Trump khác hẳn so với các tổng thống trước. Ông thích những nhân sự không có hồ sơ xuất chúng hay kinh nghiệm ấn tượng, mà chỉ cần trung thành và luôn biết cách phát ngôn ủng hộ ông.

“Nói ngắn gọn, lệnh này cho ông Trump quyền tuyển và sa thải công chức bằng chỉ một cái phảy tay”, ông Noveck nói. “Gần như chuyển công chức thành nhân viên thời vụ”.

Nhưng trên thực tế, lệnh này có thể không có tác động quá rộng, vì chính quyền mới của ông Biden có thể hủy bỏ một cách dễ dàng, theo New York Times.

Ngoài ra, các cơ quan liên bang có 7 tháng để rà soát lại danh sách nhân viên, chọn ra những người phải chuyển qua diện có thể bị sa thải dễ dàng. Không rõ liệu quá trình này có tiếp tục dưới thời tổng thống mới hay không.

ong Trump sap man nhiem anh 3

Bộ máy của ông Obama ở Nhà Trắng vào những ngày cuối nhiệm kỳ 2 của ông. Những quan chức dạng "bổ nhiệm chính trị" thường phải ra đi sau mỗi lần Nhà Trắng đổi chủ. Trong khi đó, các công chức chuyên nghiệp vẫn tiếp tục làm việc để duy trì sự tiếp nối trong hoạt động của bộ máy liên bang. Ảnh: AP.

Công bố hàng loạt đề cử chủ chốt

Ông Biden có thể tuyển lại những người bị ông Trump sa thải, nhưng điều đó sẽ tốn thời gian. Việc này cũng có thể tạo áp lực trong bối cảnh chính quyền mới cần phải lấp đầy một số lượng lớn những chức vụ mà ông Trump không tuyển.

Trung tâm Chuyển giao Tổng thống - một tổ chức phi đảng phái chuyên hỗ trợ quá trình chuyển giao - cho biết một tổng thống mới sẽ phải bổ nhiệm 4.000 quan chức. 1.250 người trong nhóm trên cần được thượng viện phê chuẩn.

Hồi cuối tháng 11, trang web của Nhà Trắng cho biết ông Trump dự định đề cử một số vị trí cao cấp trong chính quyền. Trong đó, có thiếu tướng Eldon Regua được đề cử làm đại sứ Mỹ tại ASEAN, David Fogel làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách kinh tế, kinh doanh.

Đáng chú ý, vị trí đại sứ Mỹ ở ASEAN đã để trống suốt 4 năm qua kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Các vị trí khác được thông báo gồm lãnh đạo các cơ quan như Ủy ban Cải cách Tòa nhà Công, Tập đoàn Bảo vệ Nhà đầu tư Chứng khoán, Cảnh sát Tư pháp Khu vực Trung Florida.

Nhiều đồn đoán ở Washington rằng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải, một số cái tên khác sẽ phải ra đi, như Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc CIA Gina Haspel, theo NPR.

Tin đồn gần đây nhất là Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng có thể bị ông Trump cách chức sau khi bất ngờ tuyên bố không phát hiện gian lận bầu cử diện rộng và nghiêm trọng nào.

Giám đốc FBI theo thông lệ thường được giao nhiệm kỳ 10 năm, và ông Wray là kiểu người mà ông Biden có thể mời ở lại làm tiếp với chính quyền mới, nhằm thể hiện sự hòa giải với đảng đối lập. Ông Wray cũng được ủng hộ của nhiều thượng nghị sĩ.

Đây là điều từng có tiền lệ khi ông Obama đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates của thời Bush ở lại làm tiếp.

Nếu ông Trump sa thải ông Wray trong thời gian còn lại, ông Biden và bà Harris sẽ phải mất thời gian tìm ra một ứng viên mà đảng Cộng hòa - được dự kiến tiếp tục kiểm soát Thượng viện - sẽ muốn phê chuẩn.

Buộc ông Biden phải sa thải người khi vừa nhậm chức

Một đề cử mới được chính quyền Trump công bố vào cuối tháng 11 là vị trí chủ chốt quản lý ngành ngân hàng. Nhà Trắng chính thức gửi thượng viện về đề cử ông Brian Brooks vào vị trí lãnh đạo Văn phòng Giám sát Tiền tệ. Ông Brooks vốn là quyền lãnh đạo cơ quan này kể từ tháng 5, theo Bloomberg.

Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mike Crapo (đảng Cộng hòa, bang Idaho) nói sẽ xúc tiến buổi điều trần để phê chuẩn ông Brooks.

ong Trump sap man nhiem anh 4

Ông Brian Brooks. Ảnh: Văn phòng Giám sát Tiền tệ.

Bước đi khác thường của ông Trump - bổ nhiệm một nhà quản lý khá thân với ngành ngân hàng trong những ngày cuối nhiệm kỳ - bị các nghị sĩ Dân chủ phản đối mạnh mẽ.

Nếu ông Brooks được phê chuẩn, ông Biden sẽ phải quyết định có sa thải ông Brooks ngay sau khi nhậm chức ngày 20/1 hay không.

Luật cho phép ông Biden sa thải ông Brooks, nhưng chưa có tổng thống nào sử dụng quyền hạn này đối với lãnh đạo Văn phòng Giám sát Tiền tệ.

Nếu ông Brooks không được thượng viện phê chuẩn, thì quyền bộ trưởng tài chính dưới quyền ông Biden cũng có thể sa thải ông Brooks.

Văn phòng Giám sát Tiền tệ (OCC) là cơ quan quan trọng, vì hầu hết quy định ngân hàng ở Mỹ được soạn thảo và chấp thuận nhờ sự hợp tác của ba cơ quan: Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và OCC.

Vì những người được ông Trump bổ nhiệm vào Fed và FDIC dự kiến tiếp tục nắm quyền trong thời gian tới, OCC sẽ có vai trò chủ chốt trong việc triển khai chính sách của ông Biden đối với ngành ngân hàng, theo Bloomberg.

Ông Biden cuối cùng đã được nhận tin tình báo

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhận báo cáo tình báo hàng ngày dành cho tổng thống từ ngày 30/11, sau hơn hai tuần ông Trump chặn quá trình chuyển giao.

Bang Wisconsin công bố kết quả kiểm phiếu lại

Hạt còn lại trong hai hạt ở bang Wisconsin mà ông Trump đòi kiểm phiếu lại đã hoàn tất. Kết quả chiến thắng của ông Biden tại bang này không thay đổi.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm