Chiến lang 2 đang nối dài thành tích về doanh số. Theo CBO, đến sáng 13/8, phim đạt 4,4 tỷ NDT (tương đương 630 triệu USD). Theo QQ, nếu phim cán mốc 5 tỷ NDT doanh thu sẽ có tên trong Top 100 phim có doanh thu cao nhất thế giới.
Đây là con số hoàn toàn trong khả năng của Ngô Kinh cùng đoàn đội Chiến lang 2 vì phim vẫn chưa có đối thủ tại thị trường quê nhà.
Bị khinh miệt ở Mỹ
Thông thường, các bom tấn Hollywood thắng lớn ở thị trường nội địa sẽ có nguồn thu khổng lồ tại thị trường quốc tế. Nhưng giới làm phim và các nhà phê bình Trung Quốc thừa nhận con đường Chiến lang 2 đánh phá phòng vé thế giới cực khó khăn.
“Không thể kỳ vọng vào thị trường quốc tế, chỉ nội địa mới chiếm tỷ trọng lớn”, một nhà phê bình nhận xét.
Cảnh quy mô trong Chiến lang 2. Doanh thu khủng, phim có thể lọt Top 100 phim doanh thu cao nhất thế giới. |
Nhiều người dân gốc Hoa sống ở Mỹ cho biết họ được nghe về thành công của phim, do đó cố gắng săn vé Chiến lang 2 tại rạp. Nhưng đây lại là nhiệm vụ không dễ dàng.
Theo thống kê chỉ có vài rạp ở Mỹ sẵn sàng chiếu phim do Ngô Kinh sản xuất. Không chỉ vậy, một ngày các rạp chỉ sắp xếp khoảng hai suất chiếu vào khung tối muộn.
“Tôi đã lái xe hơn 90 phút, rồi cố gắng xếp hàng để mua vé xem phim. Nguyên ngày chỉ có hai suất chiếu vào khung giờ tối. Lúc tôi đến, nhiều khán giả khác cũng đang xếp hàng chờ mua vé. Chúng tôi đều thắc mắc tại sao có khán giả lại không tăng suất chiếu nhưng không nhận được câu trả lời”, một khán giả gốc Hoa sống tại Seattle cho biết.
Tình trạng này cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia khác. Ngô Kinh khi trả lời về khả năng tấn công phòng vé quốc tế cũng chỉ cười: “Tôi không hy vọng người Mỹ thích phim này”. Anh cho biết vì thế chưa bao giờ nghĩ đến các chuyến quảng bá tốn kém ở thị trường nước ngoài. Thay vào đó, anh để phim “tự sinh, tự diệt”.
Một số nhà phê bình Mỹ đã xem Chiến lang 2 đánh giá phim có chất lượng kỹ thuật tốt, hành động ấn tượng, tuy nhiên phô trương tinh thần Đại Hán và thực tế là không hề khác gì so với loạt phim hàng động hạng B Rambo của Sylvester Stallone thời thập niên 1980.
"Chiến lang 2 dành cho những ai mong muốn rằng phim hành động hiện đại phải trở thành bản copy tệ hại của loạt phim Rambo. Và đáng tiếc Ngô Kinh không có sức quyến rũ như Stallone", nhà phê bình Simon Abrams của trang RogerEbert.com đánh giá.
Chiến lang 2 chết tại quốc tế vì người Trung Quốc dám đòi làm anh hùng thế giới. |
'Không chấp nhận anh hùng Trung Quốc cứu thế giới'
Một tờ báo Hong Kong đưa ra nhận định về sự thất bại sớm dự đoán của Chiến lang 2 tại thị trường nước ngoài: “Thế giới ghét anh hùng là người Trung Quốc”.
Trong khi đó, phim Chiến lang 2 lại mang màu sắc anh hùng, xây dựng hình tượng Ngô Kinh như kẻ cứu thế. Anh xuất hiện giống một siêu nhân, có tinh thần trượng nghĩa, hô hào bảo vệ thế giới. “Cái chết của anh ấy là giơ cao cờ Trung Quốc, cổ vũ lòng yêu nước của người Hoa”, một khán giả nhận xét.
Phim Trung Quốc thường khó thắng doanh thu hay được báo chí Mỹ đánh giá cao. Trong quá khứ, Ngọa hổ tàng long là phim hiếm hoi lọt vào sâu tại giải Oscar và được ca tụng. Nhiều ý kiến từng nhận xét đó mới là gu của người Mỹ về phim Trung Quốc, nói đơn giản hơn họ thích phim võ thuật cổ trang.
Ngọa hổ tàng long được phương Tây thích vì mang bối cảnh nhà Thanh, thời đàn ông thắt bím và xã hội bị đàn áp bởi phong kiến. |
Một số chuyên gia Trung Quốc chỉ trích phương Tây "thành kiến". Nhà phê bình Thôi Hằng Quốc đưa ra quan điểm khá cực đoan, đậm chất chống phương Tây: “Nếu Ngọa hổ tàng long không phải bối cảnh nhà Thanh, các nhân vật không có bím tóc thời đó, liệu người phương Tây có đánh giá cao?"
"Lý An đã mang đến hình ảnh quá quen thuộc trong định kiến phương Tây về người Trung Quốc để tạo thành phim. Đó cũng là giai đoạn người Trung Quốc ngu muội, lạc hậu và bị đô hộ”, ông Thôi Hằng Quốc nhấn mạnh.
“Nobel văn học ca ngợi Mạc Ngôn. Nhưng nhà văn Mạc Ngôn với Hồng cao lương cũng chỉ khắc họa Trung Quốc thời định kiến xã hội, người dân lầm than”, Thôi Hằng Quốc cay cú nói thêm.
Cảnh làm phim liều mạng của Ngô Kinh sẽ là chất kích thích với thị trường điện ảnh Trung Quốc. |
Tờ Sina cho biết doanh thu phòng vé tại nội địa của Chiến lang 2 là mối thách thức không nhỏ với các nhà làm phim Mỹ. Thực tế, những năm qua, thị trường đông dân nhất thế giới luôn là “mỏ vàng” với Hollywood.
Các bom tấn luôn ưu ái quảng bá tại Trung Quốc. Khán giả quốc gia này cũng ngoảnh mặt với dòng phim do quê nhà sản xuất. Họ tìm đến sự mới lạ, góc quay đẹp và kịch bản hoàn hảo của Hollywood.
Chiến lang 2 được giới phê bình Trung Quốc đánh giá đã tạo ra kỷ nguyên mới. “Nếu phim Trung Quốc có thể sản xuất những siêu phẩm đầu tư, quy mô, kịch bản tốt và khiến khán giả đón nhận, họ sẽ không tìm đến phim Hollywood. Trung Quốc cũng có thể xem xét lệnh một năm chiếu bao nhiêu phim Trung Quốc trong hệ thống rạp cả nước”, trích dẫn từ Sina.