Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến dịch giải cứu những con gấu bị hút mật

Hàng chục cá thể gấu bị nuôi nhốt lấy mật tại Quảng Ninh vừa được Tổ chức Động vật châu Á tiến hành chiến dịch cứu hộ quy mô lớn nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

14 cá thể gấu ngựa hiện đang được nuôi nhốt rải rác trong 10 trại tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bắt đầu được cứu hộ sáng 23/6. Dự kiến chiến dịch này diễn ra trong 4 ngày từ 23 - 26/6 với mong muốn chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi gấu lấy mật tại khu vực đất mỏ.
Hình ảnh tại trang trại của anh Nguyễn Thanh Nhượng (thị xã Quảng Yên) - một trong ba trại gấu mà Tổ chức Động vật châu Á đã tiến hành khám lâm sàng, phát hiện hơn 70% các cá thể gấu suy dinh dưỡng trầm trọng từ tháng 11/2014. Trong ảnh là vợ anh Nhượng, chị không cầm được nước mắt khi cho những cá thể gấu ăn lần cuối trước khi bàn giao.
Trong số này có nhiều chủ nuôi gấu từng viết đơn tự nguyện giao nộp trong tháng 6/2015 sau khi được các cơ quan chức năng  như UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm thuyết phục, vận động. Các cá thể gấu tại đây sẽ đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) nuôi.
Một cá thể gấu nuôi nhốt bị cụt chân phải trong khi chân trái chỉ còn một móng.
Để vận chuyển an toàn, các chuyên gia sử dụng phương pháp dùng mồi nhử dụ gấu sang chuồng chuyên dụng đối với những con khoẻ hoặc nơi chuồng thiết kế rộng, không gian nuôi nhốt thoáng. Mồi để nhử là những loại thức ăn sở thích như, mật ong, hạnh nhân, táo…
Một chú gấu ngựa đen đang theo mồi nhử để bò sang chiếc chuồng chuyên dụng.
Cách thứ hai mất nhiều thời gian và công sức hơn là gây mê tại chỗ, áp dụng với những cá thể gấu hung dữ, gấu quá yếu, liệt chi, chuồng thiết kế phức tạp. Trong ảnh, hai bác sĩ thú y kiểm tra mắt, tai và lưỡi gấu sau 15 phút gây mê.
Ngay sau khi đưa gấu ra khỏi chuồng, những cá thể bị gây mê này sẽ được các bác sĩ khám tổng thể gồm mắt, tai, răng sau đó lau tai, cắt móng cho chúng (để không đâm vào thịt gấu), kiểm tra ổ bụng, kiểm tra các khớp chân khớp tay, lấy mẫu máu, mẫu lông, mẫu phân và nước tiểu.
Móng chân gấu được cắt tỉa gọn gàng để không bị cắm vào thịt cũng như để tránh sát thương khi gấu được thả cùng chuồng, cùng khu với cá thể gấu khác.
Gia đình ông Hà Văn Tỵ nuôi gấu đã 11 năm chia sẻ: "Mỗi cá thể gấu như một thành viên trong gia đình. Chúng tôi rất quyến luyến, nuối tiếc nhưng vẫn vui lòng hưởng ứng. Tôi chỉ lo liệu những cá thể gấu của gia đình về với môi trường mới liệu có tốt hơn không. Cuộc sống có được tốt không mà thôi”.
Những con khoẻ mạnh được đi chuyển lên xe chuyên dụng để về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Tại đây các bác sĩ sẽ theo dõi gấu trong 45 ngày cách li để phát hiện bệnh tật, từ đó có những hướng điều trị sau đó được thả trong môi trường bán hoang dã rộng từ 1.500 đến 3.000 m2.

Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, đến đầu năm 2015 chỉ còn khoảng 1.245 cá thể gấu ngựa đang bị giam cầm trong 430 trại nuôi nhốt gấu trên cả nước.

Tại các trại gấu, chúng bị nhốt suốt đời trong các lồng cũi chật hẹp và bị chọc kim vào túi mật, tổn thương cả về sức khỏe và tâm lý. Có rất nhiều gấu đã tàn tật trước khi được cứu hộ. Những cá thể này sẽ không sống được nếu thả về tự nhiên.

Sau chiến dịch cứu hộ 14 cá thể gấu trong tháng 6/2015, Quảng Ninh chỉ còn 17 cá thể gấu đang được người dân nuôi tại các khu vực như Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn. 

Dự kiến đến tháng 8/2015, Quảng Ninh sẽ không còn gấu bị nuôi nhốt để lấy mật.

Hoàng Thành

Bạn có thể quan tâm