Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến dịch dẹp hàng rong trên vỉa hè ở các nước Đông Nam Á

Dẹp các quán ăn trên vỉa hè để "làm sạch" thành phố không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam mà còn của nhiều nước Đông Nam Á khi người dân vẫn còn nhu cầu với ẩm thực đường phố.

Người tài xế có mái tóc vuốt keo, đeo kính, khách hàng quen 10 năm của quán bà Jae Dah bước xuống, khuôn mặt nữ chủ quán giãn ra và chỉ khách vào bàn gần đó. Bà nhanh chóng bưng ra một đĩa cơm với tô thịt lợn. Anh này tự lấy ớt, rau mùi ăn kèm.

Jae Dah và người chồng Su Kit bán cơm và thịt chân giò ninh nhừ bên lề đường Soi Thong Lo, một trong những con đường lớn ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Hai người mở hàng từ năm 1987, khi cả hai mới 16 tuổi. Bây giờ, họ có thêm cô con gái lớn làm cùng.

Gia đình Jae Dah không giàu có, nhưng một ngày bán chạy hàng có thể kiếm được khoảng 4.000 bath (110 USD). Giống như nhiều người bán hàng rong trên đường phố Bangkok, vợ chồng Jae Dah từ vùng quê nghèo Isaan, đông bắc Thái Lan, ra thành phố kiếm sống.

dep via he anh 1
Hoạt động ăn uống trên đường phố Bangkok. Ảnh: Asia WebDirect. 

Cuộc sống mưu sinh của những người 'nhà quê ra tỉnh' 

Hàng triệu gia đình khác sống như gia đình Jae Dah ở khắp Đông Nam Á. Trong khi những người trẻ khác muốn biến cánh đồng thành nhà máy, biến nơi đây thành khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, thì những người khác lại tìm đến những công việc bán đồ ăn nho nhỏ thế này. Ở các thành phố, nơi hòa mình với nhịp sống gấp gáp, nhà cửa chật chội, người ta lại muốn tìm đến những món ăn rẻ, đủ no và tiện lợi.

Bàn nhựa được đặt tràn lan trên vỉa hè ở các nước Đông Nam Á. Với những chiếc bàn này, người dân ăn vội bát phở ở Sài Gòn, ăn khao kha moo (cơm với thịt chân giò ninh nhừ) ở Bang Kok, mie bakso (mì và thịt viên) ở Jakarta và mohinga (bún cá) ở Yangon.

Khách hàng cũng đa dạng từ những nhân viên văn phòng mặc sơ mi là lượt đến những người thợ xây dựng trong những bộ quần áo màu cam. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 2,5 tỷ người chọn ăn thực phẩm đường phố mỗi ngày.

Nghiên cứu mới đây nhất của FAO, từ năm 2007, cho thấy 20.000 tiệm bán hàng rong ở Bangkok cung cấp 40% thực phẩm cho người dân ở đây. Hai phần ba số hộ gia đình ăn ít nhất một bữa trên đường phố mỗi ngày.

Jane, một phụ nữ bán nộm đu đủ và lẩu ở Bangkok, thường xuyên mở hàng vào khoảng 15h chiều đến nửa đêm. Luung Pan, một người bán hàng khác cũng ở trung tâm thủ đô Thái Lan, lại thấy vui có nhiều khách hàng thường xuyên đến đây ăn trong cả chục năm.

Rắc rối nảy sinh

Tuy vậy, bán đồ ăn trên đường phố cũng không phải công việc dễ dàng. Rắc rối xuất hiện khi những người bán hàng này không được phép hành nghề trên vỉa hè của đường Soi Lo Thong ở Bangkok kể từ ngày 17/4.

Các quan chức địa phương cho hay việc bán hàng trên vỉa hè ảnh hưởng đến lối đi của người đi bộ và gây mất vệ sinh trên đường phố. Trong 2 năm qua, chính quyền Bangkok đã giải tán 15.000 người bán hàng rong khỏi các vỉa hè của thành phố. Từ đó, những người bán hàng rong mất chỗ làm ăn.

dep via he anh 2
Nhiều người bán hàng rong gặp khó khi bị di dời khỏi những địa bàn làm ăn quen thuộc. Ảnh: flickr. 

Chính quyền Bangkok không phải là cơ quan duy nhất thực hiện các chiến dịch “làm sạch” thành phố. Cơ quan chức năng ở TP.HCM cũng đang giải tán nhưng người bán hàng rong khỏi những khu vực dân cư đông đúc, tư vấn cho họ nhừng công việc ổn định hơn để kiếm sống. Một chiến dịch tương tự cũng được thực hiện tại thủ đô Jakarta, Indonesia.

Những người bán hàng rong ở Soi Thong Lo cạnh tranh nhau từng chút một vì kế sinh nhai. “Suy nghĩ về công ăn việc làm khiến tóc tôi bạc đi nhiều”, ông Su Kit chỉ vào mái tóc mình và bộc bạch.

Ông phải tìm chỗ bán hàng mới với mức giá thuê địa điểm là 30.000 baht (hơn 850 USD) mỗi tháng, đặt cọc 100.000 baht (2.800 USD). Trong khi đó, ông Luung Pan thì đang cân nhắc việc thuê một phần không gian bên ngoài của một ngân hàng gần đó, còn bà Jane tính về quê ở Chiang Mai.

Góc nhìn khác về quán ăn vỉa hè

Thực tế cho thấy phần lớn những người bán hàng rong ở Bangkok đều giỏi xoay xở. Bị cấm bàn hàng trên đường phố, họ chuyển vào những tầng hầm hoặc những khu đất trống. Chừng nào nhu cầu thưởng thức đồ ăn giá rẻ và tiện lợi vẫn còn thì nguồn cung vẫn sẽ đáp ứng.

Singapore cũng phải đối mặt với vấn đề này cách đây nhiều năm. Chính phủ Singapore đã dẹp hiện tượng bán hàng rong trên đường phố, biến những khu vực bán hàng rong khi xưa thành những khu mua bán chuyên dụng và tiện lợi, có kiểm tra vệ sinh thường xuyên. Phương án này có thể khả thi với một nước nhỏ và phát triển như Singapore nhưng lại khó với những nước có diện tích lớn hơn nhưng mức sống thấp hơn như Indonesia hay Myanmar.

Dù có đưa phương án này vào thực hiện, chưa chắc nó đã đạt được kết quả như ý muốn. Những quầy hàng rong trên đường phố có thể cản trở giao thông và gây mất trật tự nhưng lại làm cho cuộc sống đô thị trở nên sôi động hơn.

dep via he anh 3
Xe bán đồ ăn lưu động ở Mỹ. Ảnh: winnipegfoodtrucks. 

Trong khi đó, những chiếc xe bán đồ ăn lưu động xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố ở Mỹ và các nước châu Âu vì người dân không muốn lúc nào cũng ăn uống trọng hình thức như trong các nhà hàng.

Xét trên khía cạnh nào đó, những người bán hàng rong ở châu Á bán những món ăn không chỉ rẻ và hợp khẩu vị của người dân mà còn phản ánh văn hóa ẩm thực mỗi quốc gia. Quan trọng hơn cả, họ đã tạo ra một cộng đồng, một cơ hội để những người dân ở mọi tầng lớp trong xã hội cùng ngồi xuống và ăn những món ăn giản dị.

Dù những người bán hàng rong có phải chuyển đi chỗ khác, người ta vẫn có thể tìm đến những địa điểm ăn uống mới nhưng như vậy thật khó để họ có thể xích lại gần nhau. 

Vỉa hè nước ngoài: Vẫn có chỗ cho ẩm thực đường phố

Nếu Singapore mở phố ẩm thực vỉa hè, chính quyền Thái Lan cấm hàng rong hoạt động giờ cao điểm, thì hàng quán tại Pháp chỉ được bày bàn ghế gọn trong phần mái hiên đã quy định.

Mai Anh (Theo Economist)

Bạn có thể quan tâm