Những bức ảnh gây sốc được đăng tải trên báo chí Philippines và quốc tế cho thấy những nghi phạm buôn bán ma túy trong cuộc chiến chống ma túy của ông Rodrigo thường bị trói tay chân, áo đẫm máu. Đôi lúc, người ta thấy cả những khuôn mặt bị băng quấn chặt bên cạnh những tấm biển tố cáo tội danh của họ. Những người này bị bắn trên đường hoặc trong những căn phòng chật chội, xiêu vẹo.
Những cảnh báo cứng rắn
Tất cả những đối tượng này đều đã được cảnh báo trước đó.
Một trong những điểm thu hút cử tri của ông Duterte chính là lập trường cứng rắn và sự sẵn sàng thanh trừng tội phạm. Mặc dù cách tiếp cận này của ông thường bị giới quan sát gán mác coi nhẹ pháp luật.
Tổng thống Philippines tự hào nhiệm kì của ông sẽ chấm dứt nạn tội phạm và nhiều lần ngụ ý về việc ông không phản đối lực lượng cảnh sát hay thậm chí là những người dân thường cùng tham gia tiêu diệt nghi phạm.
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia hồi tháng 6, ông Duterte nói với công dân Philippines: “Nếu (một tên tội phạm) kháng cự và liều chết, bạn có thể giết hắn. Hãy gọi cho cảnh sát hoặc cứ tận tay tiêu diệt chúng nếu bạn có súng...tôi ủng hộ bạn”.
Tổng thống Rodrigo Duterte, người cam kết mạnh tay với tội phạm, đã nhanh chóng chứng minh sự quyết đoán của mình. Ảnh: reuters. |
“Danh sách đen” của tờ Philippine Daily Inquirer, tờ báo được coi là một trong những tài liệu ghi chép chính xác nhất con số những nghi phạm bị cảnh sát và lực lượng gìn giữ trật tự tiêu diệt, đã ghi nhận cái chết của 465 nghi phạm buôn ma túy kể từ lúc ông Duterte nhậm chức ngày 30/6 đến ngày 1/8.
Hình ảnh gây ấn tượng mạnh
Một bức ảnh chụp người phụ nữ khóc, ôm thi thể của người chồng ngoài phố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.Theo tác giả của bức ảnh, người chồng bị những tay súng chưa rõ danh tính trong khu vực Pasay Rotunda, Manila bắn chết. Người vợ quả quyết rằng ông chỉ là một người lái xích lô và không hề buôn bán ma túy.
Tổng thống Duterte đã dùng chính hình ảnh được đăng tải trên các trang nhất của nhiều tờ báo ở Philippines để lên tiếng cảnh báo vào tuần trước.
“Nếu bạn không muốn chết và bị tổn thương, thì đừng đặt hy vọng vào những linh mục và (những nhóm) nhân quyền. Họ không thể ngăn được cái chết”, ông nói.
Ông Duterte tiếp tục tăng gấp đôi nỗ lực hiện tại, bất chấp những chỉ trích cho rằng sự ủng hộ công khai của ông với những hành động tiêu diệt được cho là phạm pháp đang đưa đất nước này vào con đường nguy hiểm và hỗn độn.
Người vợ ôm thi thể người chồng thiệt mạng trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines. Ảnh: Reuters . |
“Phải làm gấp đôi, gấp ba nếu cần thiết. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi những kẻ buôn ma túy cuối cùng, những kẻ cung tiền cuối cùng và những kẻ tiếp tay cuối cùng đầu hàng…hoặc bị tiêu diệt”, ông Duterte phát biểu hôm 25/7.
Tổng thống Philippines giải thích ông được lòng dân chúng chính là do ông có thể mang lại “cảm giác an toàn”.
Vấn nạn ma túy là mối quan tâm từ lâu của tân tổng thống. “Tôi luôn phẫn nộ vì chuyện đó, từ khi tôi làm thị trưởng”, ông Duterte cho biết.
Ông cũng cho đây là một cuộc đấu tranh, không phải cuộc khủng hoảng.
Phát ngôn viên của chính phủ Philippines khẳng định chính quyền của ông Duterte nghiêm cấm mọi hình thức tiêu diệt vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi không chấp nhận những hành vi như vậy”, Thư ký Văn phòng Liên lạc Tổng thống, Martin Andanar nói.
“Chính phủ có mặt ở đây để giúp người dân thoát khỏi các mối đe dọa từ ma túy và trừng trị những kẻ phạm tội… Cảnh sát Philippines đang tiếp tục điều tra những trường hợp liên quan đến vụ giết người phi pháp và các tình tiết của vụ án đều được báo cáo”, ông Andanar cho hay.
Những lời khiển trách
Chính phủ Philippines đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền.
CNN dẫn lời Cookie Diokno, chủ nhiệm văn phòng Free Legal Assistance Group, một nhóm phi lợi nhuận nhận xét Tổng thống Duterte từ trước đến nay luôn “tạo sự kinh sợ và quá sức tưởng tượng”.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy tình trạng như thế này trong những năm gần đây", Diokno nói sau khi đề cập đến thời kì thiết quân luật đen tối của Philippines kể từ tháng 9/1972.
“Rất nhiều dấu hiệu cho thấy người dân đã bắt đầu sợ hãi. Chúng tôi phải có những giấy tờ rõ ràng được Cục Điều tra quốc gia xác nhận, người trẻ ra đường phải có những giấy tờ này thì mới không bị giết”.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) đã kêu gọi Hội đồng Kiếm soát Ma Túy (INBC) và Cơ quan Phòng chống Tội phạm và Ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) lên án “sự đột biến đáng báo động về số lượng nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy bị tiêu diệt” ở Philippines.
60.000 người nghiện ma túy đã đầu thú với nhà chức trách từ khi chính phủ tăng cường chiến dịch chống ma túy. Ảnh: EPA. |
“Các cơ quan kiểm soát ma túy quốc tế cần làm rõ với Tổng thống Philippines Roderigo Duterte rằng tăng tiêu diệt nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy không phải là “sự kiểm soát tội phạm” có thể chấp nhận được. Mặt khác, chính phủ đã thất bại trong việc bảo vệ quyền cơ bản nhất của người dân”, ông Phelim Kine, phó giám đốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền châu Á nói trong một báo cáo.
Cuộc chiến chống ma túy có vượt khỏi tầm kiểm soát?
Trong khi chiến dịch trấn áp tội phạm của Philippines được cho là đã có những kết quả nhất định và theo chính phủ, hàng chục nghìn người ra đầu thú và cảnh sát vẫn tiếp tục hành động quyết liệt, nhưng có thể chiến dịch đã gây ra những hiệu ứng phụ.
Người phát ngôn của tổng thống, ông Ernesto Abella, hôm 3/8 cho biết cùng với sự tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy của cảnh sát là khả năng các nhóm dân sự muốn chống đối luật pháp hoặc các băng nhóm ma túy đối đầu nhau có thể lợi dụng chiến dịch này của chính phủ nhằm đạt được mục đích riêng của chúng.
Đồng thời, ông bác bỏ ý kiến cho rằng chính phủ thuê người tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy. “Tại sao chúng tôi phải thuê những kẻ giết người trong khi chúng tôi có thể tiêu diệt một cách hợp pháp?”, ông lập luận.
Tổng thống Duterte khẳng định chiến dịch của ông không chỉ dừng lại ở những kẻ trung gian buôn bán trên đường phố mà còn nhắm đến cả những tên trùm ma túy và những quan chức tham nhũng trong bộ máy nhà nước đã bao che cho chúng phát triển mạnh mẽ.
Trước đó, vào hôm thứ 3 (2/8), thị trưởng Albuera, Rolando Espinosa Sr. đã đầu hàng sau cáo buộc có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy trái phép và cảnh báo sẽ tiêu diệt ông này nếu không ra đầu thú của Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines, Dela Rosa.
Thị trưởng Albuera, Rolando Espinosa Sr. đầu thú hôm 2/8. Ảnh: Philstar. |
Con trai thị trưởng Albuera hiện vẫn còn lẩn trốn. Các nhà chức trách được ủy quyền bắn hạ nếu như người này chống người thi hành công vụ. Nhiều quan chức khác có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy chưa được công khai danh tính.
Sự quyết tâm của Duerte
Sự cứng rắn của tân tổng thống Philippines cũng được ủng hộ bởi những người có chung quan điểm với ông.
Tư lệnh cảnh sát quốc gia Ronald dela Rosa cho biết lực lượng của ông đang nhằm vào những tên trùm buôn ma túy. Những lời chỉ trích về việc cảnh sát bắt giữ hay tiêu diệt những kẻ buôn bán ma túy nhỏ lẻ “càng thôi thúc mong muốn tiêu diệt những tên trùm ma túy khét tiếng” của ông.
Ông Rosa từng được bộ trưởng Nội vụ Ismael Sueno khen ngợi khi tiêu diệt được tên trùm ma túy Meco Tan, vốn được coi là tin tốt “như món quà sinh nhật” của bộ trưởng.
Tuy nhiên, vị tư lệnh cũng cho biết lập trường của chính phủ là chống lại lạm quyền.
“Cảnh sát Philippines không bao che cho hành vi lạm quyền. Cá nhân tôi sẽ chú trọng việc này”, ông Rosa phát biểu với báo giới hôm 11/7.
Cuộc chiến trấn áp tội phạm ma túy ở Phillipines vẫn chưa dừng lại, sự giận dữ với bạo lực và những lời bình luận từ phe phản đối theo khuynh hướng tự do phương Tây tiếp tục lan rộng.