Cuối tháng 5, khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã bước sang tháng thứ tư, thế giới lại hướng sự chú ý vào các binh sĩ tình nguyện nước ngoài tại Ukraine.
Hôm 27/5, cựu lính đặc nhiệm kiêm YouTuber Hàn Quốc Rhee Keun (còn được gọi là Ken Rhee) về nước sau gần 3 tháng chiến đấu. Anh đứng trước khả năng bị điều tra vì vi phạm quy định cấm công dân tới Ukraine của Seoul. Mức phạt có thể lên tới một năm tù và 10 triệu won (khoảng 8.000 USD) tiền phạt.
Chỉ một ngày sau, tờ Washington Post của Mỹ đăng tải bài viết về trải nghiệm của những tình nguyện viên người Mỹ tại Ukraine. Các nhân vật được phỏng vấn kể lại sự khác biệt giữa những điều họ kỳ vọng và những gì xảy ra trên thực tế.
"Quân đoàn" Quốc tế
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hồi đầu tháng 3 cho biết khoảng 20.000 tình nguyện viên nước ngoài đã tham gia chiến đấu tại quốc gia Đông Âu này.
“Họ chủ yếu đến từ các quốc gia châu Âu”, ông Kuleba nói với CNN. “Khi mọi người nhìn thấy người Ukraine đang chiến đấu, thấy người Ukraine không từ bỏ, nhiều người cảm thấy có động lực tham gia cuộc chiến”.
Các binh sĩ tình nguyện người Anh chụp ảnh trước khi ra tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết binh sĩ tình nguyện tham gia “Quân đoàn Quốc tế Bảo vệ Ukraine” - đơn vị được tổ chức để giúp người nước ngoài có cơ hội tham chiến. Dù vậy, một số người lựa chọn gia nhập các đơn vị khác trong lực lượng vũ trang Ukraine.
Quân đoàn Quốc tế được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập hôm 27/2, ba ngày sau khi chiến sự nổ ra. Đây là một phần của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ - bộ phận dự bị động viên của quân đội Ukraine.
“Bất cứ ai muốn tham gia bảo vệ Ukraine, bảo vệ châu Âu và thế giới có thể đến và chiến đấu bên cạnh người Ukraine”, ông Zelensky tuyên bố. Những người có nguyện vọng được đề nghị liên hệ với tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Ukraine ở đất nước mình.
Jraven Gerber, 21 tuổi, tình nguyện viên người Mỹ từ Seattle, từng cố gắng tham gia Quân đoàn Quốc tế, nhưng liên tục nhận được câu trả lời: “Ngày mai, ngày mai”.
Mất kiên nhẫn, anh quyết định bắt liên lạc với lực lượng vũ trang Ukraine để được tham chiến.
“Tôi tin rằng lúc trẻ là thời điểm tốt nhất để chiến đấu”, Gerber nói với AP. Anh cho biết có đồng đội của mình mới chỉ 18-19 tuổi. “Nếu họ tham chiến, tại sao tôi lại không?”.
Không thể gia nhập Quân đoàn Quốc tế, Jraven Gerber quyết định tham gia đơn vị khác để được chiến đấu. Ảnh: AP. |
Francisco Floro, một nhân viên làm trong lĩnh vực an ninh 30 tuổi người Tây Ban Nha, cho biết bảo vệ Ukraine là một “sự nghiệp chính nghĩa”.
“Tôi tin tưởng toàn bộ phương Tây có nghĩa vụ với Ukraine”, Floro, người tới Ukraine sau khi liên hệ với đại sứ quán nước này ở thủ đô Madrid, nói. “Chúng ta cần tham gia và nói với thế giới về những điều đang diễn ra”.
Luật sư người Na Uy Damien Magrou, người phát ngôn của Quân đoàn Quốc tế, cho biết lực lượng này có lượng lớn binh sĩ tình nguyện đến từ Anh, Mỹ, Ba Lan, Canada và các quốc gia vùng Baltic.
Trong số đó, nhiều người đã biết nhau từ trước và gia nhập cùng nhau. Có cả những người láng giềng tại một ngôi làng tại Gruzia cùng đến Ukraine.
Quân đoàn Quốc tế tìm cách giúp những người có cùng quốc tịch hoặc ngôn ngữ ở chung đơn vị. Ví dụ, những người Canada được sắp xếp vào một lữ đoàn riêng. Những người quen biết nhau - gồm cả các binh sĩ từng cùng chiến đấu tại Afghanistan - được tập hợp vào cùng một trung đội.
Thực tế khó khăn
Dù vậy, thực tế trên chiến trường khác với những gì một số tình nguyện viên trông đợi.
Cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Andrew Milburn, người đã đến Ukraine, hồi giữa tháng 3, mô tả những gì các tình nguyện viên đang làm là “một thất bại” gây ra bởi thiếu kinh nghiệm, chủ nghĩa lý tưởng và thậm chí là tình trạng “du lịch chiến tranh”.
Một nhóm người Estonia chờ ở biên giới Ba Lan trước khi sang Ukraine. Ảnh: Reuters. |
“Kinh nghiệm chiến đấu không có nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến này. Đấu súng với Taliban hoặc al-Qaeda khá khác so với thu mình trong hầm cá nhân giữa trận pháo kích liên hồi”, ông Milburn chia sẻ với tạp chí quân sự Task and Purpose hôm 18/3.
Ông Milburn cho biết hầu như toàn bộ nhóm tình nguyện đầu tiên được trả về “mà không có lễ kỷ niệm hay thông báo chính thức”.
Ông Malcolm Nance, một cựu binh Hải quân Mỹ đang tham chiến tại Ukraine, cho biết nhiều tình nguyện viên đánh giá thấp hiểm nguy từ quân đội Nga. Theo ông Nance, cuộc chiến tại Ukraine khác xa những gì các cựu chiến binh Mỹ từng trải nghiệm tại Iraq.
“Giờ đây, bạn là người bị săn lùng”, ông nói. “Và họ là một quân đội toàn diện với cỗ máy pháo binh khổng lồ sẵn sàng chĩa về bạn”.
Sau quãng thời gian vội vã ban đầu, Quân đoàn Quốc tế đã cẩn trọng hơn trong việc tuyển mộ thành viên và chỉ lấy những người có kinh nghiệm chiến đấu và vượt qua các bài kiểm tra khắt khe, theo ông Magrou.
Ông cho biết đa số ứng viên bị từ chối, nhưng một vài người trong số đó tìm cách ở lại và gia nhập các đơn vị khác.
“Chúng tôi nói với họ rằng có một xe buýt quay về Ba Lan và điều tốt nhất mà họ có thể làm là đặt một ghế trên đó”, ông nói.
Công dân Georgia chia tay người thân ở sân bay Tbilisi trước khi sang Ukraine. Ảnh: AFP. |
Các quốc gia nhìn chung không hào hứng với việc để công dân tới Ukraine tham chiến. Hôm 28/3, bộ trưởng Tư pháp bảy quốc gia châu Âu - Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italy, Luxembourg và Bỉ - ra tuyên bố chung “nhất trí không khuyến khích người châu Âu tham chiến” như binh sĩ tình nguyện.
Quân đội Canada cũng chỉ thị cho các thành viên - bao gồm cả quân thường trực, lực lượng dự bị động viên và những người đang nghỉ phép - tránh xa Ukraine. Giới chức Ottawa cảnh báo nguy cơ Nga có thể tận dụng sự hiện diện của binh sĩ Canada tại Ukraine cho những mục đích khác.
Dù vậy, Canada cùng với Đức, Đan Mạch, Latvia, Hà Lan và một số quốc gia khác tuyên bố không truy tố những người đến vùng chiến sự để tình nguyện tham chiến cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ - nước có nhiều công dân đang tham gia lực lượng tình nguyện - cũng cho biết người Mỹ không bị cấm tham gia quân đội nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ bày tỏ quan ngại các phần tử da trắng cực đoan có thể trở về từ Ukraine với kinh nghiệm chiến trường, theo Politico. Một số người Mỹ đã bị các quan chức thẩm vấn ở sân bay khi lên đường tới Đông Âu.
Trong khi đó, ông Mamuka Mamulashvili - chỉ huy quân đoàn tình nguyện người Georgia - cho biết đơn vị của ông không tuyển mộ những người có quan điểm cực đoan hoặc có liên hệ với các tổ chức cánh hữu.
“Chúng tôi tránh những phần tử cực đoan - chúng tôi không muốn họ ở đây”, ông Mamulashvili nói.