Bức tranh panorama hơn 3.000m2 tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ là điểm nhấn với du khách tới tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
|
Những ngày đầu tháng 5, tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) luôn chật kín du khách xếp hàng chờ đến lượt tham quan, trong đó điểm nhấn là bức tranh panorama mang tên "Chiến dịch Điện Biên Phủ". |
|
Với tổng diện tích lên đến 3.225m2, đây là một trong những bức tranh tường lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh. Toàn bộ bức tranh có hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ. |
|
Đây là tác phẩm nghệ thuật được hoàn thiện bởi 200 họa sĩ với sự đầu tư công phu, hoành tráng trong thời gian 9 năm. Bức tranh tái hiện 4.500 nhân vật trong 56 ngày của chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 360 độ, có kích thước chiều cao 20,5m; chiều dài 132m, với tổng diện tích bề mặt lên đến 3.225m2. |
|
Với 4 trường đoạn lịch sử được phân tách theo chủ đề rõ ràng gồm: “Toàn dân ra trận” - là trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Đường ra mặt trận với đầy đủ các lượng lực từ dân công mở đường, bộ đội hành quân và tải đạn, đoàn xe đạp thồ, văn công biểu diễn phục vụ bộ đội... |
|
Trường đoạn thứ hai mang tên: "Khúc dạo đầu hùng tráng” - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. |
|
Hình ảnh các chiến sĩ Điện Biên kéo pháo vào trận địa trên đồi cao. |
|
Trận địa pháo của bộ đội Việt Nam sẵn sàng nhả đạn vào quân Pháp. |
|
Hành động anh dũng hy sinh thân mình của anh hùng Phan Đình Giót được khắc họa trong bức tranh. |
|
Trường đoạn thứ ba là “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa. |
|
Bộ đội Việt Nam bao vây, tấn công quân Pháp. |
|
Hầm cứu chữa thương binh của bộ đội Việt Nam ngay tại mặt trận. |
|
Một phân đoạn của bức tranh tái hiện lại giờ khắc lịch sử ngày 6/5/1954 khi chiến sĩ Nguyễn Văn Bạch giật nụ xòe kích nổ khối bộc phá nghìn cân nổ trên đồi A1 đã báo hiệu ngày tàn của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. |
|
Đoạn kết của bức tranh là khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên, với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. |
|
11.500 quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã buông súng đầu hàng làm tù binh của bộ đội Việt Nam. Trong phân đoạn này ghi lại cảnh nữ tù binh Pháp duy nhất là y tá Genevieve Degala. Ngay sau chiến dịch, với tinh thần nhân đạo cao cả, bộ đội Việt Nam đã trao trả nữ y tá này cho phía Pháp. |
|
Đúng 16 giờ 20 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam đã chiếm được hầm chỉ huy, bắt sống Thiếu tướng Christian de Castries (Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), kết thúc "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!" làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc cho các nước thuộc địa trên toàn thế giới. |
Chiến thắng Điện Biên
Việt Linh
Điện Biên Phủ
chiến thắng