Không khó để mọi người nhận ra sự thay đổi của iPhone trong 10 năm qua.
Trong phần giới thiệu iPhone thế hệ đầu, Steve Jobs cho biết Apple sẽ tiến vào những thị trường không có một sản phẩm đủ tốt. Tại đó, họ sẽ cung cấp cho người dùng thiết bị mới, dễ sử dụng và thông minh hơn.
iPhone được bày bán rất phổ biến tại Nhật. Ảnh: The Verge. |
Tuy nhiên, nếu Apple tiến vào một thị trường với nhiều đối thủ đẳng cấp, hệ sinh thái, dịch vụ và tính năng thuộc hàng đầu, điều gì sẽ xảy ra? Liệu cuộc cách mạng của iPhone có thành công? Không chỉ thành công, iPhone còn mang lại nhiều hơn những gì mà mọi người mong đợi. Đó chính xác là điều đã xảy ra tại Nhật Bản.
Năm 2008, iPhone xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản với phiên bản 3G. Thời điểm đó, sản phẩm của Apple nổi bật với kết nối 3G và cài đặt ứng dụng từ bên thứ 3. Tuy nhiên, đây không phải là 2 yếu tố mà khách hàng tại Nhật Bản quan tâm nhất khi mua điện thoại.
Thiếu tính năng và hệ sinh thái hỗ trợ
Sản phẩm đến từ Apple không có cổng hồng ngoại, phương thức giao tiếp IRL phổ biến. Trình duyệt Safari của iPhone lúc đó không hỗ trợ hiển thị code C-HTML, mã nguồn tương đối phổ biến ở Nhật. Máy ảnh của sản phẩm cũng không thể quét QR code. Tính năng kết nối NFC cũng bị bỏ quên.
Đặc biệt, emoji hay còn gọi là nhãn dán cũng không được trang bị trên iPhone. Tại Nhật, tính năng này khá phổ biển. Bắt nguồn từ Docomo đầu những năm 90, sau đó, các nhà mạng như KDDI và SoftBank cũng bắt chước và tạo ra những nhãn dán của riêng họ.
Tháng 7/2008 khi iPhone 3G thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, emoji chưa được hỗ trợ. Tuy nhiên, Táo khuyết đã cải thiện điều này với bản cập nhật iOS 2.2 dành riêng cho khu vực này vào tháng 11.
Điểm cộng duy nhất là giao diện AIM của tin nhắn. Tuy nhiên, tại một đất nước mà đa số người dân sử dụng hòm thư di động để liên lạc, điều này dường như không quan trọng.
Những áp phích quảng cáo về iPhone xuất hiện dày đặc tại các cửa hàng điện thoại tại Nhật. Ảnh: The Verge. |
Sam Byford, cây viết của The Verge có một thời gian khá dài sinh sống tại Nhật đã miêu tả chính xác những gì mà iPhone phải đối mặt.
Theo đó, anh đã chuyển sang Nhật năm 2008 và được tặng một chiếc điện thoại tầm trung của SoftBank do NEC sản xuất. Với thiết bị này, chuyên gia công nghệ có thể để lại thông tin với những người bạn mới quen qua cổng hồng ngoại hay hẹn hò với người yêu bằng việc gửi những tin nhắn chứa emoji vào hộp thư di động có đuôi @softbank.ne.jp của họ. Cũng chính nhờ sự hỗ trợ của hệ sinh thái đa dạng, Sam Byford cảm thấy khá thích thú với chiếc điện thoại này.
Vào mùa hè năm sau, chiếc điện thoại đến từ nhà mạng SoftBank bị hỏng. Chuyên gia công nghệ quyết định chuyển sang dùng iPhone 3G. Anh thấy rất ấn tượng với những gì mà iPhone đem lại, từ App Store, Google Maps, giao diện đột phá… Tuy nhiên, tại Nhật Bản, hệ sinh thái được tích hợp chặt chẽ, việc người dùng chuyển sang sản phẩm Táo khuyết sẽ giống như việc đồng nghĩa với việc bỏ đi nhiều tiện ích hỗ trợ.
Sự chuyển mình của thị trường Nhật Bản
Có nhiều khó khăn khi sử dụng iPhone tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, Apple vẫn có một số fan hâm mộ tại đây. Đó là những người có khả năng tài chính cùng niềm yêu thích công nghệ. Họ muốn được trải nghiệm cuộc cách mạng mà iPhone mang đến. Vấn đề không phải là tiền. Bước ngoặt nằm ở việc ký kết với đối tác SoftBank.
SoftBank đã ký kết hợp đồng độc quyền đối với iPhone ở Nhật Bản giống với AT&T làm tại Mỹ. Thông thường, những nhà mạng tại quốc gia này chi phối lớn đến việc phát triển thị trường điện thoại.
Trên thực tế, KDDI và Docomo đã từ chối bán iPhone trong nhiều năm. Nhờ điều đó, Masayoshi Son, giám đốc điều hành Softbank, người bạn lâu năm và fan hâm mộ của Steve Jobs đã có cơ hội để mở ra một mạng lưới khác biệt.
Ông triển khai các chiến dịch truyền thông khôn ngoan, định vị iPhone trong lòng công chúng như một thiết bị tân tiến, mới lạ và rất dễ sở hữu. Người dùng có thể mua iPhone từ Softbank với giá 0 đồng qua chiến dịch “iPhone cho tất cả mọi người”.
Về phía sản phẩm iPhone, Masayoshi Son nhờ mối quan hệ với Táo khuyết đã thuyết phục được họ tin vào sự quan trọng của emoji đối với thị trường Nhật Bản. Từ đó, Apple đã thêm tính năng này trong phiên bản iOS tiếp theo.
“Chiến thuật của SoftBank đã tạo ra cuộc cách mạng ngành di động Nhật Bản. KDDI cuối cùng cũng bắt đầu bán iPhone 4S vào năm 2011”, nhà báo Nobuyuki Hayashi cho biết. Đến năm 2014, Docomo cũng bắt đầu bán iPhone 6, sau một thời gian bị các đối thủ bỏ lại.
Cũng phải nói thêm, nếu rơi vào tay công ty khác, khó có thể thuyết phục thành công Steve Jobs thêm biểu tượng cảm xúc cho iPhone.
Khi Nhật Bản dần chuyển từ điện thoại nắp gập sang smartphone, Apple hầu như không phải cạnh tranh với đối thủ nào. Đối trọng của iPhone là dòng Galaxy S và Note của Samsung không nhận được sự ủng hộ của Docomo và KDDI nên thường bị bỏ đi logo. Còn những hãng điện thoại có xuất xứ Nhật như Panasonic, Toshiba hay Fujitsu đều đang chật vật tìm đường sống và đã rút lui khỏi thị trường cao cấp.
Những nỗ lực của Apple không chỉ giúp nó trở thành chiếc điện thoại bán chạy nhất tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Điều này khó có thể thay đổi trong tương lai gần. Trên sản phẩm mới nhất, hãng đã mang đến những tiện ích mới phù hợp với Nhật Bản và châu Á nói chung như kết nối NFC, trình đọc mã QR.
Dù gì đi nữa, sự thành công tại thị trường Nhật Bản là một kì tích. Nó sẽ là bài học giúp Apple có thể chiếm lĩnh được nhiều thị trường và thành công hơn nữa.