Chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử 2018, ông Nguyễn Công Chính - Giám đốc Khối Zalo Business - cho rằng công nghệ sẽ là nền tảng giúp các doanh nghiệp nhỏ xóa bỏ những rào cản này khi tham gia vào thương mại điện tử. Đây không còn là cuộc chơi riêng của các doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính mạnh mà cơ hội đã chia đều cho mọi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Chính,Giám đốc Khối Zalo Business, cho rằng thương mại điện tử không còn là cuộc chơi riêng của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Ảnh: Tùng Tin |
Điều "thần kỳ" của thương mại điện tử
Theo ông Chính, thương mại điện tử được chia làm hai phần rõ ràng đó là thương mại và điện tử. Nếu nền tảng về thương mại đã chắc chắn thì việc duy nhất giúp họ đi nhanh hơn với thương mại điện tử chính là nền tảng công nghệ. Các khó khăn về kỹ thuật hay thay đổi mô hình để hoạt động khi tham gia vào thị trường trực tuyến mới chính là điểm then chốt khiến họ gục ngã.
Tham gia vào thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có lẽ sẽ gặp rất nhiều rào cản nếu không nhanh nhạy trong cách vận dụng các nền tảng công nghệ.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: Tùng Tin. |
Doanh nghiệp nhỏ có 3 khó khăn chính khi tiếp cận thương mại điện tử. Trước hết đó là xây dựng hệ thống kỹ thuật để hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng Internet. Tiếp đó là các dịch vụ hỗ trợ (bài toán về hậu cần, thanh toán…) và cuối cùng là thu hút khách hàng trên môi trường Internet.
"Việc xây dựng được hệ thống quản lý này tốn rất nhiều chi phí cũng là gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp nhỏ. Chưa kể đến việc vận hành tối ưu hệ thống đòi hỏi nhiều về nhân sự và năng lực quản lý. Vậy làm thế nào để kinh doanh online và tiết giảm tối đa chi phí cho thương mại điện tử?", ông Chính đặt vấn đề.
Theo ông, trước đây doanh nghiệp muốn hiện diện trên Internet chỉ thông qua website và tốn nhiều chi phí để duy trì thì đến nay với nền tảng công nghệ tốt hơn, cơ hội đã mở ra nhiều hơn. Lúc này, xây dựng cửa hàng trên các nền tảng có sẵn chỉ 30 phút là thực hiện được và chi phí thấp hơn rất nhiều thậm chí là miễn phí. Doanh nghiệp sở hữu đầy đủ chức năng phục vụ cho việc bán hàng mà các vấn đề kỹ thuật sẽ không còn là mối bận tâm lớn khi các đơn vị cung ứng thực hiện thay việc này.
“Các nền tảng công nghệ mới giúp doanh nghiệp nhỏ bán hàng trên tất cả kênh nhưng chỉ tập trung vào một đầu mối để quản lý. Đó là điều 'thần kỳ' mà nền tảng công nghệ mạng lại cho họ. Điều này giúp họ tham gia vào thương mại điện tử một cách tự nhiên mà không phải thay đổi quá nhiều về mô hình doanh nghiệp”, ông Chính cho hay.
Rất đông người tham dự là các chủ cửa hàng kinh doanh trên mạng. Ảnh: Tùng Tin. |
Số lượng điểm giao hàng tăng trưởng gấp 10 lần
Hậu cần cũng được tối ưu hóa bởi nền tảng công nghệ giúp các đơn vị giao nhận tiếp cận dễ dàng với các dầu mối bán hàng. Điều này giúp cho số lượng điểm giao hàng của các đơn vị giao nhận lớn được dự báo tăng trưởng gấp 10 lần trong năm 2018. Đặc biệt các khâu sau bán hàng không phải là điều quá lo lắng đối với doanh nghiệp bán lẻ.
Điều quan trọng trong việc thu hút khách hàng, theo đại diện Zalo, không còn là cuộc chơi “kim tiền” của các doanh nghiệp lớn với quảng cáo online chi phí lớn nữa.
Tuy nhiên, bức tranh bây giờ đã thay đổi với nền tảng thay đổi họ không phải thông qua các đại lý để làm việc này mà tự tạo quảng cáo cho chính mình. Điều này giúp cho doanh nghiệp ở quy mô nào cũng có thể chủ đọng với việc quảng cáo thương hiệu. Các công cụ này xây dựng dành cho mọi đối tượng doanh nghiệp không cần phải quá hiểu về quảng cáo trực tuyến vẫn có thể vận hành. Thậm chí khách hàng có thể mua thẳng trên quảng cáo mà không cần vào đến website.
“Nhìn chung nền tảng công nghệ là 'chiếc đũa thần' giúp các doanh nghiệp nhỏ khởi tạo vào quản lý quá trình bán hàng online của mình mà không cần đến kinh phí khủng.
Tuy nhiên công nghệ cũng có mặt trái khi gia tăng mức độ cạnh tranh hơn với nhiều đối thủ ngay chính trên sân nhà của mình. Sự cạnh tranh này là sòng phẳng nên cũng không phải là quá bi quan nếu doanh nghiệp quy mô nhỏ vận dụng tốt nền tảng công nghệ trong hoạt động kinh doanh của mình để vượt lên”, ông Chính nêu quan điểm.
Thương mại điện tử tăng trưởng 25% trong năm 2017
Một kết quả khảo sát đầy ấn tượng về tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam năm 2017 đã được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố tại diễn đàn.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng TMĐT năm 2017 ước tính trên 25%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhận định, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, thậm chí là “ngoạn mục”.
Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, VECOM cho biết, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 của các doanh nghiệp này là 35%. Khảo sát tại các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ này lên tới 60 - 200%.
Tại lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam, năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá dịch vụ tăng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%...
Cũng theo VECOM, với sức hấp dẫn của một thị trường hơn 93 triệu dân, lượng người kết nối Internet lớn, thời gian qua, thị trường TMĐT Việt Nam đã thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều “ông lớn” về TMĐT trên thế giới.
Đặc biệt, đầu tháng 3 này, việc “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT là Amazon chính thức cung cấp dịch vụ tại Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu tốt cho thị trường TMĐT. Thị trường sẽ cạnh tranh hơn và người dân sẽ thuận tiện hơn trong mua bán hàng hóa.