Đèn Stephenson giúp thợ mỏ làm việc an toàn hơn. Tranh trong sách. |
Không chỉ đối phó với đá rơi và nước ngập, những người thợ mỏ thời xưa gần như phải làm việc trong bóng tối. Bất kỳ ánh sáng nào từ nến đều có thể gây ra những vụ nổ kinh hoàng.
Thứ hai ngày 25 tháng 5 năm 1812 là một ngày tồi tệ đối với làng khai thác mỏ Felling, gần Newcastle, Anh. Một vụ nổ lớn dưới lòng đất đã làm chết 92 thợ mỏ, một số người chỉ mới mười tuổi. Đó là một trong số hàng loạt thảm họa do metan, còn được gọi là “khí mỏ than” bắt lửa từ đèn của thợ mỏ và phát nổ.
Trong vòng mười năm trước đó, 108 thợ mỏ đã chết chỉ riêng ở vùng Đông Bắc. Bây giờ con số đã tăng lên 200. Người ta buộc phải làm điều gì đó. Một ủy ban được thành lập để điều tra. Ủy ban này đã đề nghị bác sĩ địa phương William Clanny, nhà hóa học Humphry Davy và thợ cơ khí hầm mỏ tự học George Stephenson đưa ra lời khuyên.
Humphry Davy và George Stephenson là hai người rất khác nhau. Davy sinh ra ở miền Tây Nam nước Anh, là một quý ông có học vấn cao và cũng là một nhà khoa học tài năng. Stephenson đến từ vùng Đông Bắc, là thợ cơ khí hầm mỏ thô kệch nhưng có đầu óc thực tiễn dù chưa từng đến trường.
Cả Clanny và Stephenson đều bắt đầu nghiên cứu một chiếc đèn an toàn hơn. Clanny đã bịt kín chiếc đèn bằng các ngăn chứa nước, nhưng thợ mỏ phải bơm không khí vào bằng tay, vì vậy, nó không hữu dụng lắm. Stephenson thử cho không khí vào qua các lỗ nhỏ. Khí mỏ than vẫn vào được và bốc cháy, nhưng kim loại xung quanh các lỗ đã làm nguội ngọn lửa và ngăn khí phát nổ.
Đèn của Stephenson được thử nghiệm vào tháng 10 năm 1815 và nó thật sự hiệu quả.
Trở lại London, Davy đã thử nghiệm với “khí mỏ than” được lấy từ một hầm mỏ. Giống Stephenson, ông cho không khí vào qua các lỗ nhỏ, nhưng nhận ra rằng lỗ phải thật sự rất nhỏ. Chiếc đèn được thiết kế với chụp đèn bằng đồng của ông đã được thử nghiệm vào tháng 1 năm 1816 và cũng thành công.
Các chủ mỏ đã tổ chức một bữa tiệc mừng và tặng Davy một số đồ bằng bạc trị giá gấp 50 lần tiền lương hàng năm của một thợ mỏ. Các thợ mỏ thì không thấy vui mừng chút nào. Họ phẫn nộ khi một người miền Nam lại được vinh danh vì một thứ mà một trong những người của họ đã sáng chế ra.
Nhiều người không sử dụng đèn của Davy và kiên quyết dùng đèn “geordie” - thiết kế của Stephenson. Davy nói rằng Stephenson đã đánh cắp ý tưởng của ông và đèn “geordie” không hiệu quả vì thiếu tính khoa học.
Cuối cùng, đa phần các loại đèn của thợ mỏ đều kết hợp ý tưởng của cả ba nhà phát minh. Đèn dùng thủy tinh làm chụp đèn, nhờ vậy thu được nhiều ánh sáng hơn đèn của Davy mà vẫn có lỗ để đưa không khí vào nhằm ngăn chặn các vụ nổ. Vấn đề đã được giải quyết. Có thật là như vậy không?
Thật không may, những loại đèn mới là động lực thúc đẩy các chủ mỏ đưa thợ đến những khu vực trước đây được cho là rất nguy hiểm. Và bởi vì đèn không hoàn toàn an toàn nên vẫn gây ra nhiều trường hợp tử vong như trước. Davy và Stephenson có lẽ đã giành công với nhau một cách vô ích.