Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. Ảnh: Vietnamnet |
Ngày 13/11, khi tàu Hải đăng 05 của Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo thực hiện nhiệm vụ tiếp tế đã bị hai tàu hải cảnh của Trung Quốc số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa. Nguy hiểm hơn, tàu chiến 995 mở bạt pháo 37 ly, điều người dàn đội hình chĩa súng AK sang tàu Hải Đăng 05.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, chia sẻ những nhận định với Zing.vn về những ý đồ và sai phạm trong hành vi khiêu khích của tàu Trung Quốc, ông nói:
- Khi đi trên biển, tất cả các tàu đều phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế. Nếu như một tàu xảy ra sai sót thì việc đầu tiên mà tàu đối phương cần thực hiện là hướng dẫn. Nếu sự việc vẫn không thay đổi thì tàu này có quyền phát tín hiệu cảnh báo. Đó là những quy trình theo luật hàng hải.
Nhưng nếu như tàu của chúng ta hoạt động đúng luật, mà tàu của họ hung hăng xông ra ngăn cản, thì đây là việc làm hết sức sai trái. Tôi cho rằng đây là hành động của những thành phần không hề hiểu biết về luật biển, cũng như không có nhiều nghiệp vụ đi biển. Một nguyên tắc khi các tàu đi biển chính là luôn tương trợ lẫn nhau, tạo điều kiện, giúp đỡ nhau, chứ không thể hung hăng, ngăn cản tàu khác hoạt động.
Không thể chấp nhận và cần phải lên án
- Ông nhận định thế nào về hành vi nguy hiểm của tàu Trung Quốc khi chĩa súng vào tàu Việt Nam?
- Đây rõ ràng là một hành động vô cùng hung hăng. Tôi cho rằng, chúng ta có thể lên án hành động này tương tự như cướp biển. Không có lý do nào để biện minh cho việc chĩa súng vào một tàu thương mại, tàu cá, tàu tiếp tế hoạt động đúng luật trên biển. Đây là hành động mang tính chất khiêu khích, không thể chấp nhận và cần phải lên án.
- Ông đánh giá thế nào về việc tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích tàu Việt Nam ngay sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình?
- Sự việc xảy ra trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa sang thăm Việt Nam và đã nói những điều rất tốt đẹp. Tuy nhiên, hành động của cấp dưới ở thực địa lại hung hăng như vậy là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Hành xử của tàu Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, mà còn đi ngược lại tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Rõ ràng, nếu cấp dưới ở thực địa tôn trọng các lãnh đạo cấp cao của họ thì lẽ ra cần phải chấp hành theo các tuyên bố tốt đẹp này. Tuy nhiên, khi cấp dưới đã bỏ qua những điều trên để hành xử theo lối côn đồ thì đây là việc làm đáng chê trách và cần lên án. Tôi cho rằng, cơ quan cấp cao Trung Quốc cần phải quán triệt với cấp dưới không thể tự ý gây ra những hành động gây căng thẳng trên biển như vậy.
Những hành động không thể tha thứ
- Nếu thuyền trưởng trên tàu Việt Nam không khéo léo xử lý, liệu đụng độ có thể xảy ra?
- Điều này có thể xảy ra nếu phía tàu Việt Nam không giữ bình tĩnh. Hơn nữa, ngay cả khi phía Việt Nam kiềm chế nhưng tàu Trung Quốc có hành vi sơ suất thì chuyện có thể lớn hơn. Khi đó, tàu Việt Nam có thể gánh chịu hư hại hoặc thương vong. Nên nhớ rằng, tàu Trung Quốc đã từng có lần bắn pháo sáng về tàu cá Việt Nam khiến tàu này bị cháy cabin; hoặc dùng vòi rồng có công suất lớn để phun vào tàu Việt Nam nhằm làm hư hại các thiết bị trên tàu. Tôi khẳng định, đây đều là những hành động không thể tha thứ.
- Phía Việt Nam cần đấu tranh về hành động hung hăng của tàu Trung Quốc như thế nào?
- Nếu tàu Hải Đăng của Việt Nam đã quay phim, chụp ảnh được toàn bộ diễn biến sự việc thì cơ quan chức năng cần công bố các tư liệu này cho thế giới; như những thông tin về loại tàu của Trung Quốc, số hiệu tàu, thông số kỹ thuật về các vũ khí, súng mà tàu Trung Quốc sử dụng chĩa vào tàu của ta. Phía đội tàu cần bảo quản những bằng chứng này thật tốt để bàn giao cho các cơ quan ngoại giao, và các đơn vị chức năng liên quan để đấu tranh làm rõ sự cố.
Trước thông tin các tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc vây ép, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng trong nước đang làm rõ vị trí, khu vực xảy ra vụ việc cũng như một số vấn đề liên quan để có các biện pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp.
"Tôi xin khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam", ông Lê Hải Bình nói.
Theo ông Bình, việc làm này của tàu Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được.