Trong nhiều tháng liền, các đồng minh của Mỹ bất an không biết Donald Trump có phải người đáng tin tưởng để tiết lộ những bí mật an ninh quốc gia của họ không. Ngày 10/5 vừa qua, vài hôm trước chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ, Trump có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và các đồng minh có thêm lý do để lo ngại.
Washington Post đưa tin ông Trump đã chia sẻ với các quan chức Nga các thông tin mật mà Washington không được đồng minh cho phép tiết lộ với bên thứ ba. Thậm chí về phía chính quyền Mỹ, đây vẫn là loại thông tin hạn chế chia sẻ và chỉ một số ít người được biết.
Tổng thống Trump sắp có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ảnh: Reuters. |
Mất niềm tin
Nghị sĩ Đức Burkhard Lischka nói trong tuyên bố gửi đến AP rằng: "Nếu chuyện này là sự thật, việc tổng thống Mỹ chia sẻ thông tin tình báo nội bộ là rất đáng lo ngại".
Một quan chức khác từ châu Âu cũng nói nước họ sẽ chấm dứt chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ nếu phát hiện thông tin này bị rò rỉ sang phía Nga. New York Times đưa tin nguồn thông tin mật này được nhận từ Israel, đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington ở Trung Đông.
Nhà Trắng sau đó bác bỏ bài báo của Washington Post, nói rằng tổng thống không tiết lộ nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin tình báo với phía Nga. Dù vậy, Nhà Trắng không phủ nhận việc thông tin mật đã bị tiết lộ.
Đến sáng 16/5 (giờ địa phương), Tổng thống Trump đích thân viết trên Twitter rằng ông có "quyền tuyệt đối" trong việc chia sẻ thông tin chống khủng bố. Jen Psaki, cựu phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, viết trên CNN rằng Trump đang huỷ hoại niềm tin của các đồng minh sau việc chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm này.
Đồng minh lo ngại
Dù Nhà Trắng và cả Tổng thống Trump đã bác bỏ thông tin này, mối lo ngại từ các đồng minh chắc chắn ảnh hưởng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Mỹ vào ngày 22/5 tới.
Sau khi đến Israel, Saudi Arabia và Vatican, ông Trump sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước đồng minh quan trọng nhất trong châu Âu tại một cuộc họp của NATO ở Bỉ và cuộc họp G7 tại Italy. Trong số các đồng minh châu Âu này, một số nước có thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ.
Nhà Trắng kỳ vọng chuyến công du nước ngoài đầu tiên sẽ tạo dựng hình ảnh Tổng thống Trump như một nguyên thủ quốc gia thay vì một chính trị gia liên tục mắc kẹt trong các khủng hoảng đối nội.
Các đồng minh của Mỹ bất an không biết Donald Trump có phải người đáng tin tưởng để tiết lộ những bí mật an ninh quốc gia hay không. Ảnh: AP. |
Dù vậy, các đồng minh châu Âu sẽ thận trọng hơn với tổng thống Mỹ trước những chính sách gây tranh cãi của ông. Các nước phương Tây, bao gồm cả Anh và Đức, đều tỏ ra dè chừng trước những lời khen tặng Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nỗi lo này được bổ sung bằng việc ông Trump vừa sa thải giám đốc FBI James Comey, người đang phụ trách điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.
Thêm căng thẳng với lực lượng tình báo
Về phần đối nội, quan hệ của ông Trump với giới tình báo Mỹ vốn không suôn sẻ từ trước khi ông nhậm chức. Ông từng chỉ trích tình báo Mỹ "hành xử như phát xít" khi tiết lộ thông tin về việc họ nghi ngờ Nga đã can thiệp cuộc bầu cử Mỹ.
Việc ông Trump "rộng rãi" chia sẻ thông tin với Nga có thể sẽ đổ thêm dầu vào lửa cho mối quan hệ này và khiến tình hình trong nước thêm rắc rối trước chuyến công du của tổng thống.
Anthony Cordesman, một chuyên gia về an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C.), cho rằng các đồng minh còn đang "đong đếm" năng lực chính trị thật sự của Tổng thống Trump trong bối cảnh sự chia rẻ gia tăng trong đảng của ông.
"Ông ấy có thể thúc đẩy chương trình nghị sự không? Đó sẽ là câu hỏi xuất hiện tại mọi điểm dừng chân của ông ấy", ông Cordesman nhận định.