Chia sẻ đầu tiên từ các 'chiến binh samurai' ở Fukushima
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên, những anh hùng đang làm việc trong Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã chia sẻ những cảm xúc, nỗi lo sợ và lòng quyết tâm của họ trong những ngày sau thảm họa ở Nhật Bản.
Fukushima 50 đang xử lý các sự cố trong lò phản ứng ở nhà máy điện. |
Họ xếp thành hàng để kiểm tra độ phóng xạ trong trang phục kín mít. Quần áo bị nhiễm phóng xạ của họ được đựng trong một chiếc túi nhựa trong suốt. Sau những ngày gánh sứ mệnh nặng nề và nguy hiểm - làm nguội các lò phản ứng trong Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đôi mắt họ sâu và thâm quầng, râu ria dài ra trông thấy. Họ đang được xem là những anh hùng, hi sinh thầm lặng để cứu nhân dân, tổ quốc trước nguy cơ về một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Họ biết mình có thể bị nhiễm phóng xạ, đồng nghĩa với việc phải đón nhận mức án tử hình, nhưng họ vẫn có động lực lớn lao để làm việc hết mình.
Trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn tờ Telegraph của Anh, các thành viên của Fukushima 50 đã chia sẻ về công việc nguy hiểm, về những nỗi lo sợ của họ, nhưng vượt lên trên hết vẫn là tinh thần cảm tử. Kazuhiko Fukudome, trưởng một nhóm cứu hộ cho lò phản ứng số 3 kể lại: “Lúc đó là nửa đêm. Chúng tôi bắt đầu nhìn thấy khói và hơi nước bốc lên từ lò phản ứng. Mọi nỗ lực chống lại sự tan chảy của các thanh kim loại trong lò phản ứng đã thất bại. Chúng tôi được thông báo và gọi tới bơm nước biển để tiếp tục làm mát lò phản ứng. Lúc đó, tôi không nghĩ gì rằng mình đang làm việc cho chính phủ mà là làm vì thành phố Tokyo. Nhiệm vụ nguy hiểm nhất của đội chúng tôi bắt đầu bằng cuộc gọi lúc 11h đêm. Tôi nói với vợ: 'Anh chuẩn bị đến Fukushima'. Vợ tôi sốc nhưng dần dần lấy lại bình tĩnh và chỉ nói với tôi rằng: 'Anh nhớ cẩn thận nhé'.
Đến 2h, đội cứu nạn được chia thành 3 nhóm. Một nhóm tiến gần tới bờ biển để đặt các đầu ống nước phục vụ việc bơm nước vào lò phản ứng. Nhóm khác tiến vào trong lò phản ứng để trực tiếp phun nước. Nhóm còn lại chịu trách nhiệm phun nước cách xa khoảng gần 1km. Lúc đó mọi thứ tồi tệ hơn chúng tôi tưởng. Tất cả bị vùi trong đống đổ nát. Nơi đâu cũng thấy bê tông, gạch vụn, đường sá không thể qua được. Chúng tôi không thể lái xe mang đầu vòi nước xuống biển, đành chạy bộ khoảng 1 km tới bờ biển để đặt ống nước xuống biển, trong khi trời tối om như mực. Gần đó có một chiếc xe ôtô đứng chờ, máy đã nổ sẵn để đón chúng tôi nếu mức phóng xạ vượt cao. Chúng tôi cũng biết rằng phóng xạ đang rò rỉ và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng vẫn cố gắng để những vòi nước phụt xa hơn. Chúng tôi đeo mặt nạ phòng độc nên phải hét to hơn khi giao tiếp với nhau. Khi nước phụt ra khỏi vòi và phun về phía lò phản ứng, chúng tôi phải hét lớn “được rồi” để người kia nghe rõ.
Ngoài mặt nạ phòng độc, chúng tôi cũng chỉ mặc đồng phục như thường ngày. Chúng tôi biết sẽ có phóng xạ, nhưng chẳng biết là bao nhiêu. Sau 26 giờ làm việc, chúng tôi được nghỉ ngơi và kiểm tra độ phóng xạ. Quần áo và tất của tôi bị nhiễm phóng xạ nên bị thu. Tôi không bị phơi nhiễm nên các nhân viên y tá để tôi đi".
Telegraph đã ghi lại những hình ảnh về giờ phút nghỉ ngơi của các "cảm tử quân". Đó là trên một chiếc tàu, đang trong chuyến đi tới Honolulu để huấn luyện cho sinh viên. Con tàu có tên Kaiwo Maru, bị hất tung lên bờ, cần trục bị méo trong thảm họa 11/3, không có điện cũng không có nơi để rác. Tuy nhiên, Kaiwo Maru là con tàu ít bị tàn phá nhất. Nó vẫn còn máy phát, còn nước và được tận dụng làm nơi nghỉ ngơi cho Fukushima 50. Mọi thứ trong đó rất lộn xộn. Đội cảm tử quân ngồi ăn bữa cơm nóng đầu tiên sau những ngày mệt nhoài làm việc. Trong con tàu đó có một ít truyện hài mà người Nhật hay đọc và một ít báo.
Tuy nhiên, trên thực tế chẳng có ai nghỉ ngơi. Họ đều đang rất mệt và lo lắng. Tất cả đều yên lặng. Chẳng ai nói gif trong bữa ăn. Họ được mời bia nhưng đều từ chối.
Anh Akira Tamura đến từ tỉnh Iwate cho biết: “Tin điện được nối lại trong nhà máy điện hạt nhân là một tin vui, nhưng đối với chúng tôi đó cũng là một công việc hết sức hãi hùng, vì phải nối lại mạch điện trong bóng tối. Tôi cảm thấy thực sự không an toàn. Một vài dây cáp điện ở tận trên cao, một số nơi đã hỏng hóc và điều đó làm chúng tôi lo sợ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẽ làm và cố gắng hết sức”.
Giống như lính cứu hỏa, những công nhân trong nhà máy cũng chỉ có những đồ bảo hộ đơn giản. Ai cũng được trang bị mặt nạ chống độc nhưng không phải ai cũng được mặc bộ đồng phục chống độc. Chỉ có một số người dành toàn bộ thời gian trong nhà máy mới được mặc những đồng phục đó.
Những công nhân làm việc trong nhà máy được mặc bộ trang phục màu trắng, có khả năng ngăn các loại chất phóng xạ bám vào da hoặc xâm nhập vào cơ thể, nhưng không chặn được hết tất cả các loại phóng xạ. Mỗi bộ quần áo đó chỉ mặc một lần để tránh chất phóng xạ bám trên bề mặt. Thiết bị bảo vệ chính là hai phù hiệu trên người. Khi độ phóng xạ trên cơ thể vượt quá mức cho phép, những chiếc phù hiệu đó sẽ có tín hiệu thông báo.
Ngày mà các nhân viên, công nhân của đội cảm tử Fukushima 50 chia sẻ những thông tin về họ cũng là ngày mà 3 người làm việc trong nhà máy bị phát hiện nhiễm phóng xạ. Họ đã được đưa tới bệnh viện để kịp thời chăm sóc. Độ phóng xạ trong nhà máy đã cao gấp 10.000 lần so với mức bình thường.
Mức phóng xạ tăng cao quanh nhà máy trở nên nguy hiểm với tất cả mọi người khi có sự rò rỉ phóng xạ ở lõi lò phản ứng số 3. Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan, hôm qua khuyến cáo rằng mọi người nên rời khỏi lò phản ứng khoảng từ 20 đến 30 km.
Sau “trận chiến” căng thẳng làm lạnh các lò phản ứng, một sứ mệnh nữa là khôi phục lại hệ thống điện cho nhà máy điện hạt nhân. Anh Tamura, người đã trực tiếp đảm nhiệm việc này, cho hay anh và các đồng nghiệp đã phải ngủ trên sàn nhà máy để có thể làm việc hiệu quả nhất. Anh nói: “Mọi người có thể gọi cho chúng tôi bất cứ lúc nào, 24/24. Tôi chỉ trở về chỗ nghỉ tắm rồi ngày mai lại tiếp tục làm việc. Chúng tôi làm việc theo kiểu một giờ làm, một giờ nghỉ để giảm nguy cơ bị phơi nhiễm phóng xạ. Lúc đầu đội chúng tôi chỉ có 10 người, giờ đã có 30 người nên chúng tôi được nghỉ nhiều hơn và có nhiều thời gian hơn để ăn”.
Mặc dù trong nhà máy hiện có tới hàng trăm người nhưng chỉ có một nhóm người biết xử lý các tình huống về điện. Trưởng nhóm điện Nobuhide Suzuki chia sẻ: “Cả nhóm thực sự rất lo sợ và căng thẳng. Nhưng không có cách nào khác, chúng tôi phải cố gắng. Chúng tôi đang đảm nhiệm một trọng trách nặng nề mà cả đất nước, tất cả người dân đang kỳ vọng. Cả thế giới đang dõi theo chúng tôi. Chúng tôi không phải làm việc cho bản thân mình nữa. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức. Hãy tiếp tục hỗ trợ chúng tôi”.
Trong phòng dành cho những cán bộ cao cấp của nhà máy điện, hiện mức phóng xạ cũng rất cao. Sau giờ làm việc, 50 người gồm lãnh đạo cao cấp, bao gồm cả giám đốc nhà máy cũng nghỉ trong căn phòng được xây dựng từ tháng 7 năm ngoái, giờ đang ngổn ngang những mảng bê tông vỡ. Họ ăn mì và uống nước đóng chai. Một nhân viên giấu tên cho hay: “Tôi thấy mọi thứ thật kinh khủng và có cảm giác sợ hãi. Tuy nhiên đó là việc lớn, rất quan trọng và ảnh hưởng tới rất nhiều người. Đó chính là động lực để tôi vượt lên tất cả”.
Các nhân viên nhà máy điện nhớ lại khi động đất xảy ra, nhà máy đã bị rung chuyển. Họ nghe thấy một tiếng nổ lớn ở lò phản ứng số 4. Một số đã chạy kịp trước khi sóng thần ập tới.
Kể về những người thân của mình, anh Tamura nói: “Tôi đã email cho gia đình và họ cũng đã gửi lại email cho tôi. Họ rất lo lắng, tôi biết vậy”. Còn anh Suzuki thì chỉ liên lạc được với gia đình một lần duy nhất. Các con anh rất nhớ anh, còn vợ thì không nói được thành lời.
Vượt lên trên tất cả, Fukushima 50 vẫn đang tiếp tục hi sinh thân mình. Họ làm việc không phải vì họ mà vì những người thân, vì đất nước, tổ quốc thân yêu của họ.
đỗ quyên
Theo Telegraph/Bưu Điện Việt Nam