Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chia sẻ của bố mẹ về HCV Paralympics của Lê Văn Công

Con trai giành được huy chương vàng Paralympics, vợ chồng ông Tuân vui mừng đến phát khóc. Ngày Lê Văn Công bước lên bục vinh quang, hai vợ chồng đã trắng đêm theo dõi.

Những ngày qua, ngôi nhà nhỏ ở quê nhà của gia đình VĐV Lê Văn Công tại khối 10 (phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) luôn tấp nập người ra vào, đến chia sẻ niềm vui chiến thắng cùng gia đình. Từ các đoàn thể cho đến người dân địa phương, tất cả đều vui mừng, phấn khởi khi người con của quê hương đã mang vinh quang về cho tổ quốc.

Tranh thủ lúc nghỉ trưa, ông Lê Văn Tuân (60 tuổi, bố của VĐV Lê Văn Công) đem những tấm bằng khen mà con trai mình giành được ở những ngày đầu tham gia vào môn cử tạ. Đối với ông Tuân, đây là một dấu ấn lớn trong cuộc đời của con trai mình, mỗi lần xem lại, người cha già 60 tuổi này lại mừng đến phát khóc.

Ông Tuân kể, VĐV Lê Văn Công là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em đều là con trai. Hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn khi cả mấy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng, anh Công lại thiếu may mắn khi chào đời với một đôi chân không lành lặn. Mặc dù gia đình đã cố gắng đưa anh Công đi chữa trị khắp nơi nhưng đôi chân ấy lại ngày một teo tóp và mất khả năng đi lại.

Le Van Cong anh 1
Ông Tuân nhớ lại những ngày tháng con trai mình bắt đầu với môn cử tạ bên những tấm bằng khen. Ảnh: Phan Ngọc.

Thế nhưng Công lại thể hiện được bản tính kiên cường và ham học từ ngày con nhỏ. Không thể đi lại như bạn bè cùng trang lứa, Công bắt đầu gồng mình lên tập “trồng cây chuối”, đi lại bằng đôi tay của mình. Khi thấy bạn bè đi học, Công cũng đòi ông Tuân cõng tới trường để học cùng bạn.

“Dù gặp khó khăn tới đâu nhưng thằng Công nó vẫn rất kiên cường và quyết theo học bằng mọi giá. Gần 10 năm trời đi học ở quê, do vợ chồng tôi cũng phải lo bươn chải làm ăn nên phải nhờ bạn bè của nó cõng hoặc chở tới trường đi học mỗi ngày”, ông Tuân nhớ lại.

“Ngày đó chúng tôi cũng chỉ nghĩ cho con đi học cho nó đỡ tủi thân mà thôi”, ông Tuân nói và cho biết sau khi học xong lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông đã dự định cho con nghỉ học. Nhưng rồi duyên số lại đến và đưa Công vào TP HCM theo học tại một trường nghề. Cũng từ đây, đô cử Lê Văn Công bắt đầu làm quen và tập luyện môn cử tạ.

Le Van Cong anh 2
Đô cử Lê Văn Công cùng vợ trong ngày cưới. Ảnh: Phan Ngọc.

Bà Nguyễn Thị Quế (55 tuổi, mẹ VĐV Lê Văn Công) cho biết, nhận được tin con trai mình chuẩn bị bước vào thi đấu, dù đang bận rộn thu hoạch lúa nhưng tất cả mọi người trong khu phố đã cùng nhau tập trung theo dõi và cầu nguyện cho Lê Văn Công. Lúc anh giành chiến thắng, mọi người dường như đã vỡ òa trong hạnh phúc, và cùng nhau thức trắng đêm để chúc mừng với gia đình.

“Ngoài khoảnh khắc lúc Công lấy vợ thì lúc mà Công cùng với lá cờ tổ quốc được đưa lên mục cao nhất là giây phút mà tôi cảm thấy vui mừng nhất. Có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được cái giây phút này, không ngờ con trai mình có thể đem vinh quang về cho tổ quốc được”, bà Quế chia sẻ.

Chuyện tình vượt ngăn cách của đô cử Lê Văn Công

Kể từ khi quen biết nhau, Lê Văn Công chưa bao giờ tặng cho vợ một bó hoa nào. Nhưng sự giản dị, nghị lực phi thường của anh là món quà vô giá mà chị Chu Thị Tám đã nhận được.


Phan Ngọc - Phạm Hòa

Bạn có thể quan tâm