Ngày 21/5, Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 60 Luật BHXH.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
Việc sửa đổi hoàn toàn phù hợp
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Điều 60, Luật BHXH là hoàn toàn phù hợp để cho người lao động có quyền chọn lựa.
Theo ông Tùng, khi xây dựng luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị giữ nguyên điều này, vì để cho người lao động có quyền lựa chọn. Nhưng đa số lại không chịu nên thông qua.
Theo đánh giá về lâu dài, thì Điều 60 như thế là phù hợp, có lợi cho người lao động vì lĩnh một lần là ít, không có lợi nên chúng tôi mới đồng tình. Nhưng có những người lao động họ vì hoàn cảnh gia đình, không tiếp tục lao động được nữa, và họ cần một khoản tiền để mưu sinh, làm một nghề nghiệp khác. Do vậy chúng ta phải giải quyết nguyện vọng cho phù hợp.
Ông Tùng đặt câu hỏi: Tại sao những người lao động họ lại nhận bảo hiểm xã hội một lần? Trong khi số tiền hàng tháng người lao động và người sử dụng lao động đóng một năm tính ra là phải 2,6 tháng lương, nhưng khi nhận một lần họ chỉ nhận được 2 tháng lương. Như vậy là họ thiệt thòi mất 0,6 tháng, 10 năm là họ thiệt thòi mất 6 tháng lương. Cho nên người lao động nhận một lần rất là thiệt thòi.
“Chúng ta phải giải thích điều này cho người lao động thấy. Chưa kể bảo đảm hưu sau này, bảo hiểm xã hội ốm đau. Cực chẳng đã nên họ mới nhận một lần. Vì cuộc sống của họ nên ta phải để cho họ có quyền lựa chọn. Chứ đa số người ta muốn nghỉ hưu cho ổn định chứ.
Đặc biệt là những lao động làm việc trong ngành dệt may, da giày, có trường hợp chủ sử dụng muốn sử dụng lao động trẻ khỏe hơn, nên họ chấm dứt hợp đồng lao động. Mà ra ngoài họ không xin được việc nên buộc lòng họ buộc phải mưu sinh, và cần một khoản tiền để tìm việc khác.”, ông Tùng nói.
Ông Tùng cho biết thêm, Chính phủ và Ủy ban về các vấn đề xã hội đều đồng tình cho sửa Điều 60, Luật BHXH, thì chắc các vị đại biểu Quốc hội sẽ đồng tình. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ tuyên truyền cho người lao động hiểu được nếu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí thì có lợi hơn.
Tuy nhiên, ông Tùng chia sẻ: “Cũng thông cảm hơn cho người lao động mà họ không thể tiếp tục đóng được, họ cần một khoản tiền để mưu sinh khác, về quê làm ruộng, mở một cửa hàng hay kinh doanh thì chúng ta cũng phải đáp ứng được nguyện vọng đấy của họ. Nên để cho người lao động họ có quyền lựa chọn”.
Theo ông Tùng, quan trọng nhất là làm sao giải thích cho người lao động hiểu, quan trọng hơn là làm sao cho họ thấy được hấp dẫn của việc tiếp tục tham gia có lợi như thế nào.
"Tôi nghĩ rằng làm sao giải thích để người lao động chọn được con đường nào có lợi cho mình nhất”, ông Tùng nói.
Vì quyền lợi người dân
Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất điều chỉnh Điều 60, Luật BHXH của Chính phủ là vì quyền lợi của người dân. Vì người lao động khó khăn mong muốn như thế thì mình xử lý theo nguyện vọng của người lao động. Luật pháp là làm cho người lao động chứ không phải làm cho người làm luật.
Điều hết sức quan trọng là phải tuyên truyền để người lao động thấy Điều 60, Luật BHXH hoàn toàn vì mục tiêu, quan điểm, lợi ích an sinh xã hội của người lao động. Và phải nói là điều này rất nhân văn, nhưng mà người lao động đang khó khăn, muốn như vậy thì nên đáp ứng để người lao động lựa chọn nhưng phải tuyên truyền.
Ví dụ người lao động cực kỳ khó khăn thì giải quyết cho họ, còn người khác cảm thấy bảo lưu tiếp tục đóng, khó khăn nhà nước hỗ trợ để làm sao đó khi về già, quan trọng nhất có tiền lương hưu bảo đảm cuộc sống, không phụ thuộc vào con cái, gánh nặng cho xã hội.
“Tôi muốn nói rằng, người lao động nên nghiên cứu kỹ, cân nhắc kỹ. Quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần, còn nếu không cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu bảo đảm cuộc sống khi về già, tránh rủi ro khi về già”, ông Lợi nói.
Nhà nước chi trả 7.000 tỷ mỗi năm nếu nhận bảo hiểm một lần
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, tỷ lệ nhận bảo hiểm một lần hiện rất cao. Hiện nay, bình quân mỗi năm khoảng có 500.000 người ra khỏi hệ thống, vào cũng tương đương. Với số vào với số ra cân bằng như vậy thì liệu mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH có đạt?
“Nếu đồng ý giải quyết BHXH một lần thì bài toàn hệ thống XH những năm sau sẽ giảm đi, nghĩa là không đạt mục tiêu về đối tượng, và quan trọng là nhà nước phải dành một khoản ngân sách để lo cho người khi về già. Hiện nay là 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên, và ngân sách phải bỏ ra mỗi năm 3.500 tỷ, nay nâng lên thì ngân sách phải bỏ ra khoảng 7.000 tỷ một năm, rõ ràng rất khó khăn”, ông Lợi phân tích.
Trả lời câu hỏi có ý kiến cho rằng, người lao động thiếu niềm tin vào cơ quan nhà nước, theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, điều này là do các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa làm rõ, giải thích rõ chính sách cho người lao động.
“Tiền lương BHXH như là của để dành của người lao động, không ai có quyền được vi phạm kể cả cơ quan quản lý quỹ này. Và cơ quan quản lý quỹ là hội đồng quản lý quỹ Quốc gia do Bộ trưởng bộ tài chính quản lý. Quỹ này được quản lý tập trung thống nhất ở trung ương, không phải do cơ quan BHXH ôm. Quỹ này phải được bảo toàn, đầu tư tăng trưởng khi quỹ nhàn rỗi”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Ông Lợi cũng khẳng định: Có người nói rằng, đóng BHXH không may bị chết thì không được hưởng là hoàn toàn không đúng. Bằng giá nào người lao động cũng được trả hết. Nếu không may chết vẫn được 10 tháng lương mai táng phí, thân nhân của người chết vẫn được hưởng tiền tuất một lần, hoặc tuất hàng tháng nếu bố mẹ hết tuổi lao động và con dưới 18 tháng tuổi.
Tiền này dù sống hay chết, người lao động đã đóng thì được hưởng thì không ai được lấy khoản tiền này với người lao động.