Cảnh sát Na Uy cho biết một nghi phạm đã bị bắt giam sau vụ tấn công tại thị trấn Kongsberg hôm 13/10, chỉ cách thủ đô Oslo khoảng 80 km. Tại một quốc gia nơi án mạng rất hiếm khi xảy ra, vụ tấn công khiến 5 người chết là thông tin gây chấn động.
Người dân Na Uy đã phải đặt ra câu hỏi chuyện gì đã xảy ra, và vì sao nghi phạm lại ra tay bất thường như vậy, theo New York Times.
Báo động cả nước
Trong một tuyên bố đưa ra không lâu sau vụ tấn công, Thủ tướng Erna Solberg cho biết vụ giết người hàng loạt khiến tất cả người dân Na Uy "rúng động".
"Tin tức về vụ tấn công thật kinh hoàng, tôi hiểu rằng toàn thể người dân đang cảm thấy sợ hãi", bà Solberg nói.
Đến nay, nhà chức trách Na Uy vẫn chưa thể khẳng định động cơ gây án của nghi phạm.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện giờ chúng ta chưa biết chắc đây có phải vụ tấn công khủng bố hay không", Thủ tướng Solber cho biết.
Oyvind Aas, trợ lý giám đốc cảnh sát Na Uy, cho biết cơ quan điều tra đã ngừng tìm kiếm thêm nghi phạm.
"Theo thông tin mà chúng tôi hiện có, nghi phạm đã hành động một mình", ông Aas nói với các phóng viên.
Vụ tấn công diễn ra khoảng sau 18h ngày 13/10, nghi phạm bắt đầu ra tay từ trung tâm thị trấn Kongsberg. Khi vụ việc xảy ra, nhà chức trách khuyến cáo khẩn cấp người dân tìm nơi trú ẩn.
Mũi tên cắm trên bức tường sau vụ tấn công ở Kongsberg. Ảnh: AP. |
Ban đầu, cảnh sát tìm cách bao vây nghi phạm. Tên này dùng cung tên bắn trả và trốn thoát khỏi vòng vây cảnh sát. Khoảng 30 phút sau đó, nghi phạm bị trấn áp.
Ít nhất 5 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng cung tên. Trong số này có 4 phụ nữ và 1 nam giới tuổi từ 50-70. Hai nạn nhân bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Vụ tấn công đã làm chấn động Na Uy, lực lượng an ninh và nhân viên chính phủ cả nước đã được báo động. Các bệnh viện được yêu cầu sẵn sàng cho tình huống xấu xảy đến.
"Đây là thảm kịch kinh hoàng. Không ai có thể tưởng tượng chuyện như thế này sẽ xảy ra ở Kongsberg", Kari Anne, Thị trưởng Kongsberg, nói.
Các đơn vị đặc biệt được điều động, trực thăng được triển khai để kiểm soát an ninh. Trong khi đó, cảnh sát trên cả nước được cho phép mang theo vũ khí do vụ việc ở Kongsberg, nhà chức trách Na Uy cho biết. Trước đó, cảnh sát Na Uy thường không mang theo vũ khí khi thi hành nhiệm vụ.
Dù vậy, các quan chức Na Uy cho hay những biện pháp trên chỉ mang tính phòng ngừa.
"Cảnh sát chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy có sự thay dổi trong mức độ đe dọa an ninh trên cả nước", thông báo của nhà chức trách Na Uy cho biết.
Cảnh sát đã theo dõi nghi phạm từ trước
Tới nay, cảnh sát Na Uy mới chỉ công bố những thông tin rất hạn chế về nghi phạm. Công chúng mới chỉ biết nghi phạm là một người đàn ông Đan Mạch 37 tuổi sinh sống ở thị trấn Kongsberg.
"Việc coi vụ tấn công như một vụ khủng bố là điều tự nhiên. Nhưng hiện còn quá sớm để chắc chắn về động cơ của nghi phạm", ông Aas cho biết thêm.
Theo Telephrah, cảnh sát xác nhận nghi phạm đã cải đạo sang Hồi giáo. Trước vụ tấn công, nhà chức trách từng chú ý tới nghi phạm và có những lo ngại rằng người này bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan.
"Nhưng trong năm 2021, chúng tôi không nhận được thêm cảnh báo về nghi phạm", Giám đốc Cảnh sát Na Uy Ole B. Saeverud nói.
Nghi phạm thực hiện các vụ tấn công ở nhiều địa điểm tại thị trấn. Điều này khiến nhà chức trách gặp khó khăn khi phải tiến hành điều tra trên một diện tích lớn.
Nhà chức trách khám nghiệm hiện trường vụ tấn công. Ảnh: AP. |
Nhân chứng tên Kjetil Stormark, biên tập viên một trang tin địa phương, cho biết cảnh sát đã phong tỏa một siêu thị nơi một phần vụ tấn công đêm 13/10 đã xảy ra.
Nhà chức trách cho biết đang xác minh liệu nghi phạm có dùng các vũ khí khác trong vụ tấn công hay không. Trước đó, cảnh sát xác nhận nghi phạm tấn công các nạn nhân bằng cung tên.
Giết người rất hiếm xảy ra ở Na Uy. Ở đất nước với dân số khoảng trên 5 triệu, chỉ có 31 vụ giết người trong năm 2020. Hung thủ và nạn nhân trong các vụ giết người đa phần quen biết nhau.
Vụ tấn công hôm 13/10 diễn ra chỉ vài tháng sau khi Na Uy kỷ niệm 10 năm một trong những vụ giết người kinh hoàng nhất lịch sử từ sau Thế chiến II.
Vào tháng 7/2011, một phần tử cực hữu kích nổ quả bom ở thủ đô Oslo, sau đó xả súng hàng loạt tại một trại hè trên đảo Utoya. Hai vụ tấn công liên hoàn khiến 77 người thiệt mạng.
Trong nhiều năm kể từ vụ thảm sát 2011, Na Uy chật vật vượt qua di chứng tâm lý sau thảm họa cùng câu hỏi điều gì có thể khiến thủ phạm, sống tại một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, ra tay tàn bạo như vậy.
Nhà chức trách Na Uy cảnh báo nước này dường như chưa có đủ các hành động cần thiết để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan đang bén rễ, đặc biệt giữa tầng lớp thanh niên.
Hồi tháng 7, các nhà phân tích cơ quan tình báo cảnh báo đang xuất hiện ngày càng nhiều thanh thiếu niên coi thủ phạm vụ tấn công Utoya 2011 là thần tượng.