Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi Pu bị chê khi làm đội trưởng show vũ đạo

Chi Pu xác nhận làm đội trưởng của Street Dance Việt Nam. Đây là bản làm lại từ show vũ đạo nổi tiếng của Trung Quốc.

Ngày 6/3, ban tổ chức Street Dance Việt Nam - Đây chính là nhảy đường phố mùa 1 công bố Chi Pu là người tiếp theo đảm nhận vị trí đội trưởng sau Kay Trần. Ngồi ghế nóng Street Dance Việt Nam mùa đầu tiên, Chi Pu chọn linh vật chú khỉ - biểu trưng cho sự thông minh và trí tuệ - với hy vọng đội của cô tạo ra những bứt phá, sáng tạo.

Thông tin trên lập tức gây tranh cãi. Khán giả cho rằng Chi Pu chưa đủ kỹ năng và kiến thức để đảm đương vị trí giám khảo, người dẫn dắt cả đội trong một chương trình đòi hỏi kỹ thuật cao, tuyển chọn gắt gao như Street Dance.

Chi Pu bị chê không đủ kỹ năng làm đội trưởng

Trước khi đảm nhận vị trí đội trưởng của Street Dance Việt Nam, Chi Pu đã có nhiều năm học nhảy cùng ST.319 và cũng thường xuyên đăng video nhảy cho các ca khúc cô phát hành. Qua đó, công chúng cũng phần nào hiểu rõ kỹ năng nhảy của giọng ca Talk To Me. Qua những video vũ đạo như Talk To Me, Từ hôm nay, Em nói anh rồi, Đóa hoa hồng… hay bản cover 7 Rings, có thể thấy vũ đạo của Chi Pu thuần thục, dứt khoát.

Tuy nhiên, khi đứng cạnh các vũ công chuyên nghiệp, Chi Pu lộ rõ những hạn chế về vũ đạo. Các động tác của giọng ca sinh năm 1993 thiếu lực, sự linh hoạt. Nữ ca sĩ kiểm soát chưa tốt cơ thể khi nhảy, đôi khi mất thăng bằng nếu nhảy trên giày cao gót. Kỹ thuật nhảy của Chi Pu cũng không thu hút hay có điểm đặc biệt.

Đặc biệt, hầu hết Chi Pu chỉ khoe kỹ năng trên sân khấu hoặc phòng nhảy qua những bài vũ đạo được biên đạo dàn dựng sẵn. Do đó, khả năng ứng biến và sáng tạo của cô là câu hỏi và cũng là nỗi băn khoăn lớn với khán giả. Như tên gọi của show, Street Dance bản gốc Trung Quốc đề cao sự linh hoạt và khả năng sáng tạo.

Trong bản gốc, dàn thí sinh tài năng, được tuyển chọn gắt gao và có thể xử lý tốt nhiều thể loại nhảy khác nhau như breakdancing, popping, lock, waacking… Những thể loại nhảy này đòi hỏi khả năng chuyển động cơ thể, tính ngẫu hứng, tương tác cao… nên một vũ công nếu không có sự linh hoạt khó lòng có thể làm tốt.

Đặc biệt, ở chương trình này, các đội có màn thi đấu đối kháng theo từng thể loại. Do đó, cả dàn thí sinh và quan trọng nhất là đội trưởng phải có đủ chuyên môn, kinh nghiệm để dẫn dắt cả đội nhằm giành chiến thắng trong các cuộc thi đấu. Với những vấn đề trên, khán giả nhận định Chi Pu không đủ chuyên môn để nhận xét các thí sinh, càng không đủ khả năng để dẫn dắt thí sinh trong đội.

Dưới bài viết công bố sự xuất hiện của Chi Pu, hầu hết khán giả bình luận trái chiều.

“Không như bản Trung nhưng ít nhất cũng phải có đội trưởng chất lượng. Chính đội trưởng là một phần quan trọng của chương trình và gánh trên vai áp lực lớn để dẫn dắt thành viên của đội đến một vị trí cao nhất có thể. Đội trưởng ít nhất cũng phải có thực lực, trình độ chuyên môn chứ”, khán giả bày tỏ.

Khán giả khác đồng tình: “Tới màn battle với nhau, chắc cô ấy cover Kpop. Ai nói Chi Pu ổn thì mời xem lại bản Trung. Chuyên môn và khả năng về street dance không có thì nhận xét được ai”.

Nhiều tài khoản thậm chí cho rằng việc ban tổ chức mời Chi Pu làm đội trưởng chủ yếu để gây chú ý cho chương trình.

“Tôi thấy mời Chi Pu cốt để khơi lên ý kiến trái chiều hút lượt xem. Chi Pu nhảy trong MV cũng sung, múa cột rồi sexy dance. Nhưng điều quan trọng khi làm đội trưởng của chương trình là chiến lược nữa”, khán giả Hà Anh nhận xét.

Giải thích lý do chọn Chi Pu, ban tổ chức chương trình cho biết giọng ca 29 tuổi liên tục gây bất ngờ cho khán giả ở nhiều vai trò khác nhau trong những năm vừa qua. Cô thường tạo xu hướng mới để không lặp lại hình ảnh cũ. Đặc biệt, trong các MV và trên sân khấu, Chi Pu cũng khoe khả năng vũ đạo chuyên nghiệp, thần thái quyến rũ.

Chi Pu cho biết cô chọn khỉ để đại diện cho đội vì loài động vật này thông minh, tiến hóa tiệm cận với con người. Mang tinh thần của một đội trưởng luôn hướng về tương lai, Chi Pu muốn phát triển những ý tưởng mới và độc đáo cho sân khấu của bản thân cũng như các thí sinh trong đội. Đối với các thí sinh, Chi Pu muốn trở thành những người bạn, học hỏi lẫn nhau và xem nhau như một gia đình xuyên suốt quá trình đồng hành.

Trước Chi Pu, Street Dance Việt Nam công bố đội trưởng đầu tiên là Kay Trần. Nam ca sĩ chọn linh vật chú hươu cao cổ.

Nghi vấn đạo nhái poster, linh vật

Bản gốc của Street Dance phát sóng tại Trung Quốc từ tháng 2/2018. Khi ra mắt, chương trình được xếp hạng 9,5/10 điểm trên Youku và nhận hơn 100 triệu lượt xem trong vài ngày đầu tiên. Street Dance trở thành một trong những chương trình thành công nhất trên nền tảng này.

Trong suốt thời gian lên sóng, Street Dance luôn cạnh tranh những thứ hạng đầu tiên với Hot-Blood Dance Crew và Idol Producer trong bảng xếp hạng hàng ngày của Vlinkage cho các chương trình tạp kỹ trực tuyến.

Mùa đầu tiên của chương trình mời những ngôi sao như La Chí Tường, Hàn Canh, Hoàng Tử Thao và Dịch Dương Thiên Tỉ làm đội trưởng. Họ đều là những ca sĩ hoạt động lâu năm trong ngành âm nhạc và được đào tạo bài bản về vũ đạo. Thậm chí, Hàn Canh và Hoàng Tử Thao từng là nghệ sĩ hoạt động trong công ty Hàn Quốc đình đám SM Entertainment.

Sang mùa 2, vị trí đội trưởng có sự thay đổi. Ngô Kiến Hào thay thế Hoàng Tử Thao. Ở mùa 3, vị trí đội trưởng được giao cho Trương Nghệ Hưng, Vương Gia Nhĩ, Vương Nhất Bác và Chung Hán Lương. Hàn Canh, Henry, Vương Nhất Bác và Trương Nghệ Hưng đảm đương vị trí đội trưởng trong mùa 4. Trong các mùa, dàn thí sinh luôn để lại dấu ấn với những trận thi đấu đỉnh cao, máu lửa và đầy sức sáng tạo. Bởi thế, chương trình luôn giữ được sức nóng dù lên sóng liên tiếp các mùa.

Ngoài tranh cãi liên quan đến Chi Pu, chương trình phiên bản Việt hiện còn bị chỉ trích đạo nhái ý tưởng poster, linh vật từ bản Trung Quốc. Theo khán giả, poster và linh vật của Chi Pu giống đội Jackson (Vương Gia Nhĩ).

Trao đổi với Zing về vấn đề trên, đại diện của Street Dance Việt Nam cho biết chương trình được thực hiện dựa trên bản gốc với sự tham khảo, tham gia tư vấn, giám sát từ nhà sản xuất nước ngoài trong mỗi giai đoạn. Do đó, ê-kíp đảm bảo chất lượng, tôn trọng, bám sát bản gốc.

“Trong phạm vi bản quyền, chúng tôi tuân thủ các tiêu chí đặc trưng thể hiện qua hình ảnh, tiêu chí mà bản gốc đòi hỏi. Bất kỳ một sự lựa chọn giống hay khác nhau đều được thảo luận, thống nhất của đôi bên để đảm bảo chất lượng và sự sáng tạo linh hoạt của bản Việt”, đại diện cho biết.

Những nhóm nhạc Việt tan rã sau thời gian ngắn

Mô hình nhóm nhạc gặp khó khăn khi hoạt động ở Vpop. Nhiều trường hợp tan rã ngay sau khi phát hành MV đầu tay.

Nhóm nhạc Việt tan rã sau khi phát hành một MV

Quang Huy cho biết sau gần 2 năm chờ đợi, công ty RBW thông báo D1Verse tan rã. Nhóm phát hành MV đầu năm 2020 và biến mất suốt thời gian qua.

Minh Hạo

Bạn có thể quan tâm