Yêu cầu về an ninh, hậu cần và nơi lưu trú để tiếp đón 10.000 đại biểu trong Hội nghị cấp cao APEC là thách thức lớn đối với bất kỳ thành phố nào tổ chức đăng cai.
The Interpreter của Viện Lowy, Australia, trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Philippines đã chi gần 200 triệu USD cho Năm APEC 2015 trong khi Trung Quốc đã đầu tư gần 6 tỷ USD để tổ chức APEC 2014.
Theo Daily Telegraph, Australia đã tiêu tốn tới 170 triệu USD để bảo đảm an ninh cho Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2007, nhiều hơn chi phí an ninh của Thế vận hội Mùa hè 2000 ở Sydney.
Áp lực bảo đảm an ninh
Số liệu do ủy ban của Thượng viện Australia công bố cho thấy việc bảo vệ các nhà lãnh đạo thế giới tiêu tốn 24 triệu USD mỗi ngày trong thời gian lưu trú ngắn ngủi của họ ở Sydney.
Trong suốt hội nghị, các nguyên thủ bao gồm Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Nga Vladimir Putin đi lại trong thành phố bằng đoàn xe limousine bọc thép trị giá 4 triệu USD.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trò chuyện với các nhân viên an ninh Peru trước khi lên máy bay Air Force One để trở về Washington sau khi dự Hội nghị Bộ trưởng APEC ở Lima, Peru, ngày 18/11/2016. Ảnh: AFP/Getty. |
Cùng với đội xe limousine, ngân sách còn được dùng để bảo đảm an ninh tại các địa điểm, “quản lý không phận”, thu thập tin tình báo, chống khủng bố và vận hành các trang thiết bị tiên tiến.
Cảnh sát New South Wales nhận được phân bổ ngân sách lớn nhất, 78 triệu USD, để bảo đảm an ninh cho khu vực Cảng Sydney, điều phối giao thông, bảo vệ các yếu nhân, triển khai lực lượng cảnh khuyển và ngựa phục vụ tuần tra.
Năm 2015, Chính phủ Philippines đã huy động lực lượng của 18 cơ quan để đảm bảo hội nghị diễn ra trật tự và suôn sẻ.
GMA News cho biết ít nhất 30.000 nhân viên từ các cơ quan khác nhau của chính phủ do Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) và Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) đứng đầu đã được huy động để phục vụ Tuần lễ Cấp cao.
Gần 1.000 sĩ quan cảnh sát được triển khai xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines.
Lực lượng Cảnh sát Bảo vệ Mục tiêu (PSPG) được giao nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các quan chức chính phủ, quan chức nước ngoài và các cá nhân, theo sát hoạt động tiếp đón các nhân vật quan trọng và hỗ trợ nhóm mật vụ bảo vệ tổng thống.
Philippines cũng bố trí các đội K-9 ở một số khu vực để bảo vệ các đại biểu khỏi mối đe doạ về bom mìn và các vật liệu nổ khác.
Lục quân, hải quân và không quân Philippines đều được huy động trong hội nghị thượng đỉnh. Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã triển khai 60 tàu tuần tra trên Vịnh Manila, đặt các cảng ở Visayas và Mindanao dưới sự giám sát đồng thời phong tỏa các khu vực cấm tàu thuyền đi lại trong những ngày diễn ra hội nghị.
Nâng cao vị thế
Đối với quốc đảo Papua New Guinea, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2018 là một vấn đề trọng đại. RNZ cho biết Australia dự kiến đóng góp ít nhất 1/3 chi phí cho kế hoạch đầy tham vọng của Papua New Guinea nhằm tổ chức hội nghị cấp cao APEC vào năm tới.
Theo ABC, 73 sĩ quan cảnh sát của Australia sẽ ở lại Papua New Guinea cho đến khi các cuộc họp kết thúc vào tháng 11/2018 để thực hiện cam kết hỗ trợ về an ninh, ngoại giao, tư vấn, tình báo và công tác di trú cho nước chủ nhà.
Cảnh sát Liên bang Australia đã cam kết hỗ trợ 36 triệu USD. Ngoài ra, các khoản đóng góp khác cho hội nghị có thể lên tới 75 triệu USD.
Một nhân viên an ninh chụp ảnh chiếc máy bay vận tải cánh lật V-22 Osprey của Thủy quân Lục chiến Mỹ đáp xuống gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC ở Manila, ngày 14/11/2015. Ảnh: AFP/Getty. |
Thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea đã đầu tư phát triển nhiều công trình như khu tổ chức hội nghị Paga Hill, khách sạn Star Mountain Hilton và nâng cấp một sân bay. Ông Christopher Hawkins, giám đốc điều phối APEC 2018, nhấn mạnh chi phí xây dựng các công trình này sẽ được kêu gọi từ nguồn vốn tư nhân.
Tính đến năm ngoái, Chính phủ Papua New Guinea đã chi gần 26 triệu USD cho APEC. Một nửa ngân sách sẽ tập trung vào an ninh, lĩnh vực mà Australia cam kết hỗ trợ.
Báo cáo năm 2015 của IMF ghi nhận dự toán của Chính phủ Papua New Guinea cho APEC là khoảng 1 tỷ USD.
Hồi tháng 10/2013, khi Papua New Guinea được chọn làm nơi tổ chức APEC 2018, Thủ tướng O'Neill cho rằng sự kiện này sẽ nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, qua đó mang lại lợi ích đầu tư và du lịch to lớn cho Papua New Guinea.
Hội nghị cấp cao với sự góp mặt của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên khu vực Thái Bình Dương bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga là một trong số ít sự kiện quốc tế thường niên mà nguyên thủ các nước thường xuyên tham dự.