CNN đánh giá thành phố Tokyo, Nhật Bản, có giá trông giữ xe cao nhất châu Á. Chủ xe phải đăng ký vị trí và trả tiền trước thông qua một thiết bị tự động. Song, mức giá không cố định mà tùy thuộc vào từng địa điểm, nhu cầu của người dùng nhưng thông thường dao động khoảng 0,89 USD cho 15-30 phút. Ảnh: CNN. |
Nếu đỗ quá thời gian đăng ký trước đó, xe được coi là bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định. Giá vé tháng cho mỗi vị trí đỗ ôtô là khoảng 744 USD. Theo khảo sát của CNN, giá dịch vụ trông giữ xe ở trung tâm thành phố Tokyo cao hơn nhiều so với ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn của Nhật Bản. Ảnh: Reinventing Parking. |
Cũng theo CNN, trung bình mỗi tháng, người dân Hong Kong phải chi trả hơn 755 USD cho chi phí trông giữ xe. Một vị trí đỗ xe có kích cỡ 2,5 x 4,8 m được giao bán với giá 60.000 USD. Ông Buggle Lau, chuyên gia phân tích của công ty bất động sản Midland Realty, cho hay lý do khiến giá trông giữ xe ở Hong Kong luôn đắt đỏ là những chính sách của giới chức, nhằm kìm hãm sự phát triển của thị trường nhà ở. Ảnh: SCMP. |
Từ năm 1994, giá trông giữ xe ở Hong Kong vẫn giữ mức 0,26 USD/15 phút. Tuy nhiên, mới đây, giới chức thành phố đề nghị tăng gấp đôi phí dịch vụ này lên khoảng 2,56 USD/giờ. "Chính sách này nhằm hạn chế việc dừng, đỗ xe bên lề đường, gây cản trở giao thông", báo cáo nêu rõ. Ảnh: SCMP. |
Tháng 2/2014, Philippines quyết định lặp đặt 340 máy đỗ xe tự động trên đường phố Manila. Giới chức Philippines thừa nhận việc xe dàn hàng đỗ ven đường là vấn đề lớn của thành phố này, gây ùn tắc, cản trở giao thông. Sử dụng thiết bị đỗ xe tự động, người dân phải mua một thẻ thông minh và nạp số tiền tối thiểu là 0,4 USD để được phép đỗ xe trong 2 giờ. Từ giờ thứ 3 trở đi, chủ xe phải trả khoảng 0,2 USD/giờ. Chính quyền thành phố nhận được 30% tổng thu từ bãi đỗ xe. Ảnh: Primer. |
Tại thành phố Makati, người sử dụng phương tiện giao thông chỉ được đỗ xe tại những khu vực được đánh dấu bằng chữ "T" trong tối đa 3 giờ. Thời gian hoạt động từ 7h đến 17h, các ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Giá trông giữ xe máy là 0,4 USD/giờ, các phương tiện khác là 0,8 USD/giờ và 1 USD cho các giờ tiếp theo. Tất cả xe đỗ vượt quá thời gian cho phép sẽ bị lực lượng chức năng cẩu đi. Ảnh: Megacities go service. |
Tại Singapore, tất cả phương tiện hầu như bị cấm đỗ xe dưới lòng đường, mà phải vào vào các bãi trông giữ xe hợp pháp. Xe dừng đỗ không đúng nơi quy định bị phạt rất nặng, khoảng 225 USD. Ở một số tuyến đường vắng hoặc ngoại thành, chính quyền một số địa phương vẫn tổ chức trông giữ xe ven đường, thu phí tự động hoặc thủ công. Ảnh: Holland Village Singapore. |
Từ tháng 12/2016, giá vé trông giữ xe ở nơi công cộng tại Singapore tăng gấp đôi, hơn 9 USD/giờ. "Dù điều chỉnh nhẹ, song, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới hầu bao của chúng tôi. Nếu gửi xe hàng ngày hoặc một lúc thôi, anh cũng mất kha khá tiền rồi", ông Martin Nalpon, 53 tuổi, chia sẻ. Ảnh: Straist Times. |
Tháng 7/2016, chính quyền thành phố Kuala Lumpur, Malaysia tăng giá đỗ xe lên 150%. Người dân phải chi trả 0,5 USD cho một giờ đầu tiên. Với giờ thứ 2 trở đi, chi phí sẽ tăng từ 100-200%, tùy theo từng khu vực. Ảnh: Shutter Stock. |
Theo ông Basuki T Purnama, Phó thống đốc thành phố Jakarta (Indonesia), 70% chi phí dịch vụ trông giữ xe của địa phương này bị thất thoát. Vì vậy, từ năm 2015, chính quyền thành phố quyết định xây dựng hệ thống quản lý đỗ xe tự động tại 375 địa điểm, nhằm kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, lệ phí trong một giờ đầu là 0,15 USD với xe máy; 0,37 USD với ôtô và 0,59 USD với xe tải và xe khách. Ảnh: Shutter Stock. |
Tại Melbourne (Australia), giá dịch vụ trông giữ xe thay đổi theo giờ và nhu cầu trong từng khu vực. Giá trung bình tại những vị trí trung tâm khá "chát" với mức giá 5,5 USD/giờ. Ảnh: Government News. |