Kính Vision có chi phí sản xuất đắt đỏ. Ảnh: Reuters. |
Vision Pro có giá khởi điểm từ 3.500 USD, là mức rất cao so với phần lớn thiết bị tiêu dùng của Táo khuyết. Ngoài khoản đầu tư khổng lồ trong nhiều năm cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chi phí phần cứng, lắp ráp thiết bị cũng cao hơn nhiều những mẫu iPhone, vốn có thể tận dụng được dây chuyền cũ.
Hơn 1.500 USD là mức chi phí đầu vào Apple phải chi ra cho việc sản xuất chiếc kính thông minh đầu tiên của mình. Đây là một canh bạc của Táo khuyết khi giá thành của sản phẩm mới quá cao.
Linh kiện đắt đỏ của Vision Pro
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường VR Wellsenn, chi phí sản xuất, lắp ráp của Apple Vision Pro là 1.509 USD. Trong đó, hai màn hình Micro OLED là linh kiện đắt đỏ nhất với giá 350 USD mỗi bên. Xếp sau là 130 USD cho chi phí lắp ráp, được phụ trách chủ yếu bởi Luxshare Precision, đối tác lâu năm của Táo khuyết.
Tỷ trọng chi phí linh kiện của Vision Pro cũng tương đồng với các mẫu kính VR ra mắt trước đó. Màn hình chiếm 25% giá thành sản xuất Meta Quest Pro. Trong khi đó, 35% chi phí của chiếc Pico4 nằm ở phần linh kiện hiển thị.
Màn hình bên trong của Vision Pro có giá 700 USD, được cung ứng bởi Sony. Ảnh: Apple. |
Camera theo dõi vật thể của Vision Pro được làm bởi Zhaowei Electromechanical và Gao. Yangming Optics, Yujing Optoelectronics phụ trách phần vỏ quang học, vật liệu cơ khí. Nhà cung ứng Desai làm pin, còn Goertek nhận phần âm thanh.
Tổng cộng, 7 nhà cung ứng tại Trung Quốc đại lục góp mặt trên kính Vision Pro, 6 từ đảo Đài Loan, 3 từ Hàn Quốc và phần còn lại ở Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của đất nước tỷ dân chủ yếu phụ trách phần linh kiện giá thấp, gia công bước cuối, thu về ít lợi nhuận.
Các thành phần đắt tiền như vi xử lý M2, R1 đều do Apple chủ động phát triển. Chip nhớ, RAM, ROM được Samsung, Kioxia hay SK Hynix (Hàn Quốc) cung ứng. Sony có thể đạt được lợi nhuận lớn từ việc chế tạo thành phần màn hình Micro OLED. Zeiss cũng phụ trách hai thấu kính chính trên thiết bị. Các thành phần này đều có chi phí cao, yêu cầu hàm lượng kỹ thuật lớn, được giao cho đối tác lâu năm.
So với iPhone, chi phí sản xuất của Vision Pro đắt đỏ hơn nhiều lần. Cụ thể, iPhone 14 Pro Max tiêu tốn của Apple khoảng 463 USD tiền linh kiện, lắp ráp trên mỗi máy. Con số này chưa bằng 1/3 chi phí cho mẫu kính Vision Pro.
10 năm theo đuổi VR của Apple
Ngoài chi phí cho các linh kiện phần cứng, Apple đã đổ rất nhiều tiền cho dự án Vision Pro trong thời gian dài. Họ chậm chân hơn các đối thủ như Oculus, HTC, Sony trong cuộc đua phần cứng VR. Tuy nhiên, quá trình phát triển của công ty không phải ngắn.
Apple theo đuổi các giải pháp AR/VR từ lâu. Ảnh: Apple. |
Táo khuyết có động thái liên quan đến lĩnh vực này từ 2013 khi mua lại start-up Prime Sense của Israel. Đây là doanh nghiệp cung cấp cảm biến 3D, ghi nhận ánh sáng. Apple bắt đầu tuyển dụng kỹ sư có kinh nghiệm AR/VR từ 2014. Trong giai đoạn này, loạt công ty về mảng này như Metaio, Faceshift, Flyby Media, Emotient… cũng được họ thu mua.
Đến năm 2017, Apple giới thiệu AR Kit cho lập trình viên, phát triển ứng dụng thực tế tăng cường.
Theo các chuyên gia, Vision Pro là sản phẩm điện tử tiêu dùng có kết cấu phức tạp nhất Apple từng sản xuất. Tại sự kiện ra mắt, Táo khuyết cho biết họ sử dụng đến hơn 5.000 bằng sáng chế mới trên chiếc kính thông minh đầu tiên.
Hiện tại, mảng kinh doanh kính thực tế ảo đang không có sự phát triển tốt. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu thị trường IDC dự báo sự tham gia của Apple sẽ giúp mảng này tăng trưởng 31,5% trong năm 2023.
Apple từng giúp ngành máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, smartphone, tai nghe true-wireless có sự phát triển vượt bậc, sau khi công ty ra mắt sản phẩm.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.